Tụng Kinh
 

Một thời, một Tỳ kheo sống giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, vị Tỳ kheo ấy trước kia siêng năng tụng kinh rất nhiều, sau một thời gian, trở thành thụ động, im lặng.

Rồi một vị Thiên trú ở khu rừng ấy không còn được nghe pháp từ vị Tỳ kheo, liền đi đến, sau khi đến, vị Thiên ấy nói lên bài kệ như sau: "Này Tỳ kheo, sao ông; sống chung các Tỳ kheo, lại không chịu tụng đọc; các kinh điển pháp cú? Ai nghe thuyết chánh pháp; tâm được sanh tịnh tín; và ngay đời hiện tại; được mọi người tán thán".

Vị Tỳ kheo đáp: "Trước kia đối pháp cú; ta tha thiết tìm hiểu; cho đến khi chứng được; quả vị bậc ly dục; từ khi chứng ly dục; mọi thấy nghe, xúc cảm; nhờ trí huệ hiểu biết; đều được bỏ một bên; chính các bậc Hiền thiện; giảng dạy là như vậy".

(ĐTKVN, Tương Ưng I, chương 9 phần Tụng học kinh điển)

Lời bàn :

Nói đến tu tập, người ta liên tưởng ngay đến việc tụng niệm. Cố nhiên tu thì phải tụng kinh, niệm Phật nhưng không nhất thiết hễ tu là cứ phải tụng kinh, gõ mõ. Tụng niệm như thế nào là vấn đề còn tùy thuộc vào năng lực công phu và nội chứng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu thực hành pháp thì tụng kinh là một pháp trợ duyên không thể thiếu cho việc thành tựu thiền định về sau.

Điều thú vị nhất trong pháp thoại này là việc tụng kinh không chỉ đem lại việc nhận thức sâu sắc về giáo pháp cho bản thân người tụng mà đồng thời đó là một thời "thuyết pháp". Đối tượng nghe pháp là chư Thiên và quỷ thần mà mắt ngưởi bình thường thì không thể thấy nhưng chắc chắn những thời tụng kinh thanh tịnh ấy đã mang lại lợi ích thiết thực cho nhiều chúng sanh. Mặt khác, pháp thoại này cho thấytừ thời Thế Tôn còn tại thế, việc tụng kinh (pháp cú) là một trong những nội dung tu tập, hành trì có tính chất phổ biến đối với hàng Tỳ Kheo tân học.

Điều này lý giải một cách thỏa đáng cho truyền thống tụng kinh của những người đệ tử Phật rất thịnh hành và phổ biến hiện nay. Có nghĩa là tụng kinh không phải là xu hướng tu hành theo kiểu "kệ kinh nhiều kẻ đọc suông" phi chính thống như một vài người từng quan niệm. Tụng kinh là một pháp môn tu tập được ứng dụng cho hàng xuất gia được thực thi ngay từ thời Thế Tôn còn tại thế.

Tuy nhiên, khi thành tựu Thánh quả, đoạn tận tham dục thì vị Tỳ kheo chỉ an tịnh trong hiện pháp lạc trú với tuệ giác thường trực và hoàn toàn tự chủ. Đây là thời điểm mà hành giả đạt đến "sự im lặng của bậc Thánh". Ngay đây, việc tụng kinh hay không tụng kinh không còn là vấn đề nhưng vì để mọi chúng sanh (nhất là trời, thần) được nghe pháp thì tụng kinh lại càng cần thiết hơn.

Quảng Tánh