TẠNG THƯ SỐNG CHẾT
 
The Tibetan Book Of Living And Dying
 
Sogyal Rinpoche - Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
 

Vô thường đã khải thị cho ta nhiều sự thật, nhưng còn một kho tàng cuối nó đang giữ, một kho tàng mà phần lớn bị che khuất dưới mắt chúng ta, ta không ngờ và cũng không nhận ra được, song lại là của ta một cách thân thiết nhất.

Thi sĩ Rainer Maria Rilke đã nói rằng những nỗi sợ sâu xa nhất của ta giống như những con rồng đang giữ kho tàng sâu kín nhất của ta. Cái nỗi sợ mà vô thường khơi dậy trong ta, theo đó không có gì là thực, không gì trường cửu, hóa ra lại là người bạn tốt nhất của ta, bởi vì nó giục ta đặt câu hỏi: "Nếu mọi sự đều hủy diệt, thay đổi, thì cái gì là có thực? Có chăng một cái gì đằng sau mọi giả tưởng, một cái gì vô biên, khoáng đạt vô cùng, làm sân khấu cho cuộc luân vũ của vô thường chuyển biến? Có chăng một cái gì ta có thể nương tựa an trú, một cái gì sống lâu hơn cái mà ta gọi là cái chết?"

Để cho câu hỏi ấy xâm chiếm ta một cách cấp thiết, tư duy về nó, ta sẽ dần dần thay đổi sâu xa lối nhìn của ta về mọi sự. Với sự liên tục quán tưởng và thực hành buông xả, ta sẽ thấy hiển lộ trong chính ta “một cái gì” ta không thể gọi tên, mô tả, đặt thành khái niệm, “một cái gì” mà ta khởi sự thấy đang nằm đằng sau mọi sự biến dịch chết chóc của thế giới. Khi ấy những dục vọng và giải trí thiển cận mà ta bị trói buộc vào -- do chấp thủ tính chất trường cửu -- khởi sự tan biến và rơi rụng.

Khi điều này xảy đến, ta thường thoáng thấy những hàm ẩn rộng lớn ở đằng sau sự thật về vô thường. Nó giống như suốt buổi ta đã bay trong một chiếc phi cơ luồn qua những đám mây đen vần vũ, rồi bỗng dưng phi cơ vút lên trên những tầng mây, bay vào một bầu trời trong sáng bao la. Được cảm hứng, vui mừng khi ngoi lên trong chiều không gian mới đầy tự do ấy, ta dần khám phá một niềm an lạc sâu xa, một niềm tự tin làm ta đầy ngạc nhiên sung sướng. Dần dần, phát sinh một niềm xác tín rằng “một cái gì đó" trong ta không gì phá hủy được, không gì làm thay đổi được, và không thể chết. Milarepa viết:

Vì sợ chết tôi đi vào núi -

Liên tục trầm tư về tính bất định của giờ chết,

Bỗng bắt gặp thành trì bất tử, vô tận của tâm bản nhiên.

Bây giờ tất cả nỗi sợ chết đều tan biến.

Vậy, dần dần ta biết được trong ta có sự hiện diện của tự tính như bầu trời trong sáng mà Milarepa gọi là tâm bản nhiên, vốn bất tử và vô tận. Khi ý thức mới mẻ ấy trở nên sống động và gần như không gián đoạn, thì xảy ra cái mà Áo Nghĩa Thư gọi là “một sự xoay chiều của tâm thức” một khải thị có tính cách cá nhân, hoàn toàn không thể đặt tên, cho thấy ta là gì, tại sao ta ở đây, ta phải làm thế nào... Điều này cuối cùng, không khác gì một đời sống mới mẻ, một cuộc phục sinh.

Kỳ diệu thay, nhờ quán chân lý về vô thường một cách liên tục, không sợ hãi, mà dần dần ta thấy mình giáp mặt – trong niềm tri ân và hỉ lạc – với chân lý về bản chất bất biến, bất tử và vô tận của tâm.