Tỳ Kheo Ni Bạch Tịnh
 

Giao Trinh dịch

Lúc đức Phật tại thành Xá Vệ, có một lúc trong tăng đoàn loan truyền một sự việc quái lạ, có liên quan tới Sư Cô Bạch Tịnh.

Lúc bấy giờ Sư Cô Bạch Tịnh là con gái độc nhất của một vị trưởng giả giàu có, cha mẹ cô đều là đệ tử tại gia của đức Phật. Sư Cô Bạch Tịnh lớn lên trong một gia đình Phật tử thuần thành nên thất chí mà xuất gia. Cha mẹ cô nghĩ rằng giữ cô lại bên cạnh trong nhà, không bằng để cho cô được nuôi nấng trong Phật Pháp, nên gởi cô vào tăng đoàn của đức Phật.

Sư Cô Bạch Tịnh gia nhập tăng đoàn không lâu thì chứng quả A La Hán, điều này dĩ nhiên làm cho mọi người vô cùng kinh ngạc, nhưng điều làm cho họ lạ lùng nhất là tấm tăng bào trên người cô.

Tấm tăng bào này luôn luôn như mới tinh khôi, không bao giờ cần giặt rũ. Trời lạnh hay nóng đều không cần màng đến, tấm áo sẽ tự động điều hòa để thích hợp với nhiệt độ trong người cô. Nhờ những điều tiện lợi như thế mà Sư Cô Bạch Tịnh có thêm thì giờ dành cho việc tu học. Ai ai cũng hâm mộ cô, không biết cô trồng phúc đức từ đời nào mà bây giờ được như thế.

Nghe nói cô đã có tấm áo ấy ngay từ lúc ra đời, song ban đầu không phải dưới dạng một tăng bào, chỉ từ khi cô xuống tóc trở thành đệ tử đức Phật thì chiếc áo diễm lệ thời trang thiếu nữ mới biến thành tấm tăng bào của Tỳ Kheo Ni.

Mọi người trong tăng đoàn xôn xao bàn tán về vấn đề này, kẻ đoán thế này người đoán thế nọ, tôn giả A Nan thông minh nghĩ rằng chiếc tăng bào kỳ lạ kia không thể nào không có nhân duyên, nên mới thỉnh cầu dức Phật thuyết giảng cho mọi người hiểu.

Một hôm, vào thời gian thuyết Pháp thường lệ, đức Phật kể cho đại chúng nghe một câu chuyện như sau :

Ngày xưa, có một cặp vợ chồng vô cùng nghèo nàn, trong nhà chỉ còn có một tấm vải độc nhất để che thân, ngoài ra không có bất cứ một vật gì khác, vì họ đã phải cầm, phải bán tất cả mọi thứ trong nhà để ăn rồi. Hai người chỉ còn có một tấm vải ấy thôi, nên tấm vải đối với họ quan trọng hơn tất cả mọi thứ trên đời. Trong hai người, người nào cần phải ra ngoài xin thức ăn mang về thì mới quấn tấm vải này, người kia đành phải tạm thời ẩn náu dưới một đống rơm trong góc nhà. Nghèo đến nỗi không có một lấy bộ quần áo, thật là nghèo đến nước cùng rồi !

Một hôm, có một vị Tỳ Kheo xuất hiện trước cửa nhà của hai vợ chồng nghèo này. Vị Tỳ Kheo không phải chỉ đến hóa duyên mà thôi, thầy còn đến để khuyến khích họ đi nghe thuyết Pháp. Thầy là đệ tử của Tỳ Bà Thi Phật, và chính lúc ấy, Tỳ Bà Thi Phật đang đi ngang qua đấy thuyết Pháp độ sinh, nên các vị đệ tử của Ngài chia nhau đi mọi nơi để khuyến khích dân chúng đến nghe Pháp.

Người vợ nghèo kia tên là Đàn Ni Già, vốn là người đàn bà hiền hậu, có trí huệ, hiểu đạo lý. Bà thành tâm cảm tạ hảo ý của vị Tỳ Kheo, nhưng hai vợ chồng chỉ có một tấm vải che thân, thật là không được đàng hoàng, đến trước mặt đức Phật nghe Pháp thật là bất tiện, nên bà cứ ngần ngừ không biết phải trả lời như thế nào.

- Dường như bà có điều chi khó xử ?

Vị Tỳ Kheo nhìn thần sắc của người đàn bà mà hỏi một cách hiền từ.

- Dạ... dạ thưa không !

Người đàn bà vội vàng trả lời.

- Bà đừng khách sáo, có chi khó xử thì cứ nói, biết đâu tôi có thể giúp bà được ?

Vị Tỳ Kheo chân thành đề nghị. Lúc ấy người đàn bà rất cảm động, nên mới ngượng ngùng kể cho vị Tỳ Kheo nghe về gia cảnh của mình, và còn tự hỏi không biết tại sao mình lại nghèo tới mức ấy ?

Vị Tỳ Kheo nghe xong rất thương cảm, an ủi bà rằng :

- Đừng có tự ti tự oán cảnh nghèo của mình, việc gì xảy đến với mình cũng có liên quan tới vấn đề nhân quả. Nếu kiếp này mình nghèo hèn thì chắc chắn chỉ vì kiếp trước mình bủn xỉn không chịu bố thí cúng dường. Giàu sang hay nghèo hèn, quý phái hay bần tiện, ai ai cũng phải biết bố thí, biết giúp đỡ người khác thì mới khỏi rơi vào đường cùng nghèo khổ, bây giờ bà không nên chậm trễ nữa, cần phải nhớ kỹ đạo lý này.

Nghe vị Tỳ Kheo nói xong, người đàn bà chỉ xin thầy đợi một chút, rồi chạy vào nhà trong. Vào đến nhà trong, bà bèn đem những lời thuyết Pháp của vị Tỳ Kheo nói cho chồng đang trốn trong đống rơm nghe, và còn hăng hái nói rằng :

- Từ giờ trở đi chúng ta phải thực hành bố thí để kiếp tới không còn gặp cảnh nghèo cùng như thế này nữa.

Người chồng nghe xong, nhìn phải nhìn trái, xong quay lại nhìn vợ đưa hai tay ra cười buồn.

- Sao ? Ông không bằng lòng à ? Chúng mình nghèo tới mức này mà còn không chịu trồng chút thiện nhân, không lẽ...

- Ôi ! Sao bà lại trẻ con như thế ? Không phải là tôi không có thiện tâm, nhưng chúng mình không có gì hết thì lấy gì bố thí đây ?

- Chúng ta còn tấm vải này ! Hãy đem nó ra cúng dường cho vị Tỳ Kheo kia !

Người vợ vừa nói vừa chỉ tấm vải trên người. Người chồng há hốc miệng không nói được lời nào, trong lòng những tưởng vợ mình có dành dụm được chút tiền riêng, nào ngờ bà lại nghĩ đến chuyện đem tấm vải trên thân ra bố thí, làm sao có thể như thế được ? Ông trả lời :

- Cả hai chúng ta chỉ có tấm vải này thôi, có nó chúng ta mới có thể ra ngoài xin thức ăn về đỡ dạ, mất nó đi, chúng ta chỉ còn có nước ngồi chờ chết, không lẽ bà không hiểu điều ấy hay sao ?

- Tôi hiểu rất rõ. Chết thì không người nào không chết, đã có sinh thì phải có chết. Dẫu không đem tấm vải này ra cúng dường, chúng ta cũng sẽ có ngày chết như mọi người thôi. Còn nếu đem nó ra cúng dường, kiếp tới mới hy vọng có cuộc sống khá hơn. Nếu không cúng dường thì kiếp sau... tôi không dám nghĩ sẽ ra như thế nào ?

Người chồng suy nghĩ, thấy vợ nói không phải là không có lý nên không ngăn cản nữa, để cho vợ tùy tiện xử sự. Người đàn bà trở ra ngoài đóng cửa lại, vị Tỳ Kheo đang tự hỏi không biết chuyện gì xảy ra, bỗng thấy cánh cửa hé mở, một tấm vải rơi ra ngoài và giọng người đàn bà nói vọng ra :

- Bạch thánh nhân ! Xin ngài tha thứ cho con không lấy hai tay mà dâng tấm vải này lên cho ngài, trong nhà chỉ còn có nó để hai vợ chồng chia nhau mà che thân, nay chúng con đem nó ra cúng dường cho ngài, xin ngài từ bi nhận lấy !

Vị Tỳ Kheo đưa tay tiếp lấy tấm vải, đứng thật lâu trước cửa nhà không rời, im lặng chú nguyện cho họ.

Đây là một tấm vải cũ kỹ đến nỗi đã ngả sang màu vàng, thật là nhìn không được mắt ! Về đến tinh xá, vị Tỳ Kheo đem tấm vải dâng lên cho Tỳ Bà Thi Phật, có rất nhiều vị đệ tử tại gia của đức Phật đang ngồi tại chỗ thấy thế rất lấy làm bất bình. Mọi người nghĩ rằng một đấng chí tôn vô thượng như đức Phật không nên xúc chạm đến một vật bẩn thỉu đến dường ấy, thật không biết điều mới dám cúng dường cho Thế Tôn một tấm vải như thế !

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể câu chuyện ấy đến đây thì ngừng lại, đưa mắt quan sát chư vị đệ tử ở dưới tòa, như thể đang hỏi họ rằng "các vị có đồng ý rằng không nên cúng dường Như Lai một vật như thế hay không ?"

Nhưng một lúc sau Ngài tiếp tục kể :

- Bố thí hay cúng dường, giá trị không nằm ở chỗ vật cúng tốt hay xấu, nhiều hay ít. Lúc ấy, có rất nhiều vị quốc vương đại thần, đệ tử tại gia của Tỳ Bà Thi Phật đang ngồi dưới tòa Như Lai, họ thường tổ chức những buổi đàn trai thịnh soạn linh đình, dùng vàng bạc châu báu cúng dường Tam Bảo, nhưng Tỳ Bà Thi Phật lại tán thán người đàn bà nọ trước mặt họ, bảo rằng công đức của bà thù thắng nhất, quý hơn tất cả những gì mà họ đã từng cúng dường từ trước tới nay, tại sao như vậy ? Vì ý nghĩa chân chính của việc bố thí hay cúng dường là phải làm với tâm chí thành khẩn thiết và với tâm vô sở trụ, lúc ấy vật bố thí tuy nhỏ bé nhưng phúc báo của người cúng lại cao như núi, thí như một hạt thóc, nếu hết lòng chăm sóc thì sau một vài lần gieo giống trồng trọt, có thể gặt được cả một tòa núi gạo trắng ! Trái lại, một người vô cùng giàu có, có thể ném cả vạn đồng tiền vàng ra cửa sổ, thì dẫu lấy số tiền ấy cúng dường cả một toà tinh xá đi nữa, công đức cũng sẽ không có bao nhiêu vì người ấy đã không hề tốn kém một tơ hào công lực nào !

Các vị đệ tử đại thần từ xưa đến nay vốn rất tự cao tự đại, nay nghe lời nói của Tỳ Bà Thi Phật bèn cảm thấy hổ thẹn, mỗi người tự động cởi những bộ áo hoa lệ trên thân, sai người chất lên xe và đi rước vợ chồng nhà nghèo kia đến nghe Phật thuyết Pháp.

Đàn Ni Già chính là tiền thân của Sư Cô Bạch Tịnh, nhân đã từng cúng dường với tâm vô nhiễm thanh tịnh nên đời đời kiếp kiếp sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý, và còn có được một bộ quần áo bất khả tư nghì như thế tùy thân. Nhìn theo nhãn quang của Phật giáo thì điều này chẳng có gì là quái lạ, lại nữa, cô chứng đắc quả A La Hán mau lẹ là vì xưa kia đã từng đến chỗ của Tỳ Bà Thi Phật học đạo, tích lũy trí huệ cho đời sau vậy.

Khi hành bố thí hay cúng dường, chúng ta rất có thể làm với tâm chấp trước và tham cầu mà không hề tự hay biết, nên chúng ta phải thường thường tự chiếu soi tâm mình để mà sửa đổi kịp thời, phòng khi có lỡ đi sai đường.

Cúng hiến vô điều kiện mới là cúng dường bố thí đúng theo đường lối của Phật Pháp.

Đức Phật kể chuyện này xong, chúng ta hãy tự quán xét lấy mình, có bố thí hay cúng dường với tâm vô sở trụ chưa ?