Lai lịch và giai thoại về vài quả Đại Hồng Chung ở nước ta |
Đại Hồng Chung là một Pháp khí của Phật Giáo, đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ngoài phần trang trí những hoa văn hoạ tiết, mà đa phần là những chữ Hán ghi lại bài minh, lời chú nguyện, đề từ, lạc khoản... được bài trí một cách mỹ thuật ở quanh thành chuông, các nghệ nhân đúc đồng đã khéo trang trí trên núm chuông hình con Bồ lao (một loại cá voi rất to) dựa theo điển tích từ lời chú thích của Ban Cố ở Hậu hán thư : "trong biển có cá lớn là cá Kình, trên biển có con thú là con Bồ lao. Con Bồ lao rất sợ cá Kình. Hễ cá Kình đánh Bồ lao thì Bồ lao hoảng sợ, kêu vang lên. Cho nên cái chày gỗ có chạm hình cá Kình dùng đễ dộng chuông gọi chày Kình". Cũng thấy có một số chuông chạm hình rắn (có nơi biến cách như rồng), với ý nghĩa dựa theo truyền thuyết : vợ Vua Lương Võ Đế là Hy Thị vì độc ác nên bị đọa làm mãng sà và sau nhờ HT. Chí Không tụng kinh cầu nguyện mới được ân xá, Hy Thị ăn năn hối lổi thoát kiếp mãng xà. "Bà" xin được nằm trên chuông để sớm hôm được nghe tiếng kinh kệ, đồng thời cũng là một cách gián tiếp để cảnh tỉnh người đời. Đại hồng chung có nhiều loại, và tất nhiên cũng có những giai thoại về nó : Chuông Bạc Tháng 12 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Thái Tổ phát bạc ở kho 1.680 lượng Bạc để đúc chuông lớn treo ở chùa Đại Giác. Bốn năm sau (1014), Vua lại xuống chiếu phát 800 lạng bạc để đúc hai quả chuông treo ở chùa Thắng Nghiêm và lầu Ngũ Phượng. Chuông Vàng Tháng 9 năm Giáp Dần (1014), vua Lý Thái Tổ xuống chiếu phát 310 lạng vàng trong kho để đúc chuông treo ở chùa Hưng Thiện. (sách Gia Định thành thông chí ghi, ở chùa Linh Sơn, núi Bà Đen - xưa thuộc trấn Phiên An - người ta thấy có chuông vàng ở trong hồ, nhưng khi đến gần thì biến mất). Chuông Đồng lớn nhất Đồng lấy từ quặng có màu đỏ. Tuy nhiên do nhu cầu tiêu thụ nhiều, xưa đã biết luỵên đồng từ sắt. Tưởng cũng nên tìm hiểu đại nét về công nghệ này. Theo Vân Đài loại ngữ, sách Ngũ Tạp Trở nói : các nơi cổ khanh (tức hang hố cổ, rất lâu đời), chỗ nào có nước gọi là Đảm thuỷ ; chỗ nào không có nước gọi là Đảm thổ. Đảm thuỷ có thể nấu đồng, Đảm thổ có thể cắt đồng. Xét Tống sử chí nói, xưa Hàn Cầu đúc tiền, lấy đảm thuỷ đổ đồng, tuỳ số tiền làm cữ, có chua phép tẩm đồng như sau : lấy sắt sống, nung dọt thành phiến mỏng, xếp trong bã Đảm thuỷ, ngâm độ vài ngày, phiến sắt bị Đảm thuỷ ăn mỏng, sinh han đỏ trên mặt, rồi cạo lấy han ấy, cho vào lò, nung 3 lần, thành đồng. Cứ 3 cân 4 lạng sắt thì được 1 cân đồng. Sách Hành Trù tập nói, lấy đảm phàn mà tôi sắt, thì hoá thành đồng. Đại Việt sử lược ghi : Năm Mậu Ngọ (1198) ở Lạng Châu sản xuất được đồng màu xanh biếc. Ngày 13 tháng 8 năm Quý Dậu (1033) vua xuống chiếu đúc quả chuông 1 vạn cân để ở chùa Long Trì. Tháng 4 năm Bính Thân (1056) làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, Vua phát 12.000 cân đồng để đúc chuông lớn. Vua thân làm bài minh chạm vào chuông. Chuông thiêng Việt sử Tiêu Án chép, thời vua Lý Thái Tông, đúc chuông chùa Trùng Quang, khi đúc xong không cần đến nhân lực, tự nhiên chuông đi đến chùa được. Sách "Đại Việt sử lược" chép, tháng giêng năm Ất Mão (1135) cái chuông bằng đồng xưa hiện ra. Còn Đại Việt sử ký toàn thư thì nói, tháng giêng năm Bính Thìn (1136) thấy chuông lớn thời xưa. Phải chăng do bị đất lở sụp, chuông bị chôn vùi, rồi sau khi biển hoá ruộng dâu, người ta đào đất ở bãi sông tình cờ gặp lại ? Chuông điếc Chiếc chuông "điếc" nổi tiếng nhất có lẽ là đại hồng chung chùa Diên Hựu (chùa Một Cột). Sử ghi, mùa xuân, tháng 2, năm Canh Thân (1080) đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, nên không tiêu huỷ, bèn đem bỏ ở quy điền (ruộng Rùa) của chùa. Chùa Tây An Cổ Tự ở cù lao Ông Chưởng (An Giang) hiện có một quả chuông điếc (đánh vẫn kêu nhưng âm vang rất nhỏ), vì xử dụng nguyên liệu toàn bằng đồng xu (xu bằng đồng, quyên góp), không tinh luyện lại, vì trong loại xu đã có lẫn sẵn tạp chất. Nay treo ở hành lang phía sau chùa. Chuông kêu oan Tháng 6 năm Kỷ Tỵ (1029), vua Lý Thái Tông cho đặt lầu chuông đối nhau ở hai bên tả hữu thềm rồng Long Trì ở điện Thiên An, để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Tháng 8 năm Quý Dậu (1033) lại xuống chiếu đúc quả chuông 1 vạn cân để ở lầu chuông Long Trì. Tháng 10 năm Canh Thìn (1040) vua ngự đến núi Tiên Du, khi về xuống chiếu phát 7.560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc, 2 vị Bồ Tát, cùng chuông để ở viện ấy. Tháng 3 năm Nhâm Thìn (1052) lại đúc chuông lớn để ở Long Trì "cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được thì đánh chuông đó để tâu lên". Như vậy chuông này thay thế 2 chuông cũ hay đúc thêm ? Lẽ nào một chỗ tại Long Trì mà đặt nhiều chuông chỉ cùng một mục đích ? cũng cần biết thêm, thời Lý Trần các vua đều rất trọng đạo Phật, có thể rằng, chuông đặt tại sân rồng Long Trì cũng đồng thời là chuông chùa Diên Hựu ? Nguyễn Hữu Hiệp Chuông Chùa Cổ Lễ Nam Định Theo văn bia để lại, Chùa Cổ Lễ thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định có hiệu là "Thần Quang Tự". Tương truyền rằng ngôi Chùa này được Ngài Không Lộ Thiền sư xây dựng vào thế kỷ XI nên trong Chùa còn thờ tượng Ngài. Trên thượng điện có pho tượng đức Bổn Sư cao 4m, bề ngang 3,5m. Tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thiếp vàng. Chùa Cổ Lễ là một ngôi Chùa lớn và đẹp, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến bởi cảnh quan và kiến trúc tổng thể hài hòa của toàn khu vực Chùa. Đặc biệt tại nơi đây, năm 1936 cố đại lão Hòa thượng Thích Thế Long... viện chủ của Chùa Cổ Lễ, cùng tín đồ Phật tử đúc một quả chuông đồng lớn cao 4.2m, đường kính 2.2m, thành chuông dày 8cm, chuông nặng 9000kg. Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước... Đây là quả chuông lớn nhất nước ta, và là báu vật thiêng liêng của Chùa Cổ Lễ. Sau khi chuông được đúc, nhà Chùa chưa kịp xây gác để treo chuông thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Sợ chuông bị giặc phá hoại, đồng bào Phật tử cùng nhà Chùa đem chuông ngâm giấu dưới hồ. Sau khi hòa bình lập lại (1954), chuông lại được kéo lên đặt ở bệ trước Chùa. Do thời gian và ảnh hưởng của chiến tranh, Chùa Cổ Lễ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1988, Chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định công nhận xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa" là "Danh lam thắng cảnh quốc gia". Hiện tại được sự đồng ý và giúp đỡ của các cấp ngành có liên quan, Chùa Cổ Lễ được trùng tu, tôn tạo từng phần ngôi Chùa chính dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hòa thượng Thích Thuận Đức, viện chủ Chùa Cổ Lễ. Quả chuông đồng nặng 9 tấn trải qua hơn 60 năm, do ảnh hưởng của chiến tranh và điều kiện thực tế nên chưa một lần được ngân vang vì chưa có gác để treo. Đầu năm 1997, với sự thành kính tín ngưỡng đạo Phật, hướng về cội nguồn quê hương, gia đình ông Trần Quang Khải và gia đình ông Nguyễn Đức Cử, quê quán Nam Định, hiện đang là chủ doanh nghiệp tại Sàigòn đã phát tâm hiến cúng xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ công trình gác chuông Chùa Cổ Lễ, theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật của Viện Khoa học kiến trúc thuộc hội kiến trúc sư Việt Nam. Công trình được khởi công xây dựng từ ngày 08/05 Đinh Sửu (1997), trải qua 5 tháng 15 ngày đến nay đã được hoàn thiện. Gác chuông được các nhà thiết kế tạo hình mang nét đặc trưng của kiến trúc các ngôi Chùa cổ Việt Nam, và hài hòa với kiến trúc tổng thể của khu Chùa. Gác chuông cao 14.5m, rộng 9m gồm 3 tầng, mái cong lợp ngói mũi hài. Tầng trên cùng treo quả chuông nhỏ đời Lê Cảnh Thịnh thế kỷ XV nặng khoảng 300kg, hai tầng dưới treo quả chuông 9 tấn. Ngày 15/12/97, ban chỉ đạo trùng tu, tôn tạo Chùa Cổ Lễ long trọng tổ chức lễ cắt băng khánh thành gác chuông, với sự tham dự đông đảo của chư Tôn Giáo Phẩm và đại diện đồng bào phật tử của 10 huyện và Thành phố Nam Định... Phúc Thịnh Quả Đại Hồng Chung lớn thứ nhì thế giới Tại bảo tàng quốc gia Kyongju, Hàn Quốc, đang lưu giữ một quả Đại hồng chung khổng lồ. Chuông có tên dân gian là Emille, được đánh ký hiệu hiện vật số 29. Trọng lượng quả đại hồng chung này đến 23 tấn đồng, cao 3,3m được đúc hoàn thành vào năm 770 sau 23 năm dự án khởi sự. Đây là quả chuông lớn thứ hai thế giới, sau quả đại hồng chung ở Moscow (Nga) cao 6,5m. Tuy nhiên, về phương diện mỹ thuật và khảo cổ, rất nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đánh giá quả đại hồng chung ở Hàn Quốc hơn hẳn quả đại hồng chung ở Nga. Về thời gian, quả đại hồng chung ở Hàn Quốc có trước đến gần 1000 năm. Tiếng ngân của nó vượt xa đến khoảng 60km (40miles) vào những đêm thanh vắng. Có rất nhiều giai thoại và truyền thuyết xung quanh quả hồng chung vĩ đại này. Người ta nói rằng để có kinh phí đúc quả chuông lớn như thế, các nhà sư ở chùa Pongdoska gần Kyongju, cố đô của triều đại Silla (51 TTL - 935 TL) đã đi từng nhà quyên góp. Tháng 12 năm 771 chuông được treo ở Chùa Pongdoska ; nhưng sau đó, tại vùng này đã xảy ra một trận lũ lớn và phá huỷ toàn bộ ngôi chùa. Quả đại hồng chung Emille bị nước lũ cuốn về gần Chùa Yonguyosa. Vào đầu thế kỷ 16, chuông Emille lại một lần nữa được di dời đến cổng nam của thành Kyongju. Chính phủ Hàn Quốc xem quả đại hồng chung này là một tài sản văn hoá quý của đất nước và đang được lưu giữ tại bảo tàng quốc gia Kyongju. Nguyễn Đức Sơn Những Đại Hồng Chung Cổ tại Nhật Bản Đã từ lâu tiếng chuông chùa được xem là những âm thanh quen thuộc, thiêng liêng và siêu thoát, luôn gắn liền với những sinh hoạt tự viện Phật Giáo tại các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản. Ở Nhật, vào đêm giao thừa, chuông chùa được gióng lên 108 lần để mở đầu cho một năm mới đầy ước vọng và hứa hẹn một cuộc sống thanh bình thịnh vượng. Nghệ thuật đúc chuông bắt đầu xuất hiện tại Nhật khoảng 100 năm sau khi Phật giáo được truyền vào nước này (552). Đến thời Nara (710-794) và thời Heian (794-1184), rất nhiều đại hồng chung mang nét mỹ thuật tinh xảo ra đời. Thời đại cực thịnh của việc đúc chuông ở Nhật là thời Kamakura (1185-1333). Lúc bấy giờ Phật Giáo được truyền bá rộng khắp, nơi nơi đều đúc chuông . Tuy vào thời Moromachi (1392-1603) và thời Yedo (1603-1867), người ta cũng đúc nhiều chuông nhưng chất lượng không bằng các thời trước đó. Hiện nay đại hồng chung cổ nhất ở Nhật được đặt tại chùa Myoshin ở Kyoto, cố đô Nhật. Đại hồng chung này được đúc vào năm 698, có chiều cao là 1,5m, đường kính 86 phân. Đại hồng chung chùa Kanzeon ở đảo Kyushu cũng rất cổ xưa, rất đẹp và tiếng chuông nghe rất êm tai giống như âm "ra" của cung nhạc cổ 12 nốt. Đại hồng chung lớn nhất tại Nhật được đúc vào năm 752. Đại hồng chung này cao tới 4,1m, đường kính 2,7m, dày 27cm, cân nặng khoảng 30 tấn, được treo ở chùa Todai ở Nara. Hai đại hồng chung khác được đúc ở Nhật và được đưa ra nước ngoài và hiện nay rất nổi tiếng có tên là Hoà Bình và Ariana. Đại hồng chung Hoà Bình được đúc vào năm 1952, bằng 20 thứ tiền đồng do 64 quốc gia trên thế giới cúng, trong đó có cả chiếc huy chương của đức Giáo Hoàng. Đại hồng chung này hiện đang được đặt tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đại hồng chung Ariana ra đời tại Nhật, nhưng dưới thời Minh Trị hoàng đế, đại hồng chung này được đem ra nước ngoài và đến năm 1867 đem triển lãm tại Paris rồi sau đó được chuyển đến Bảo tàng Ariana ở Geneve (Thuỵ Sĩ). Tháng 9. 1957, đại hồng chung này được chuyển về chùa Shinagawa ở Tokyo và được lưu giữ cho đến ngày nay. Đại hồng chung này có chiều cao là 1,5m, đường kính 1m, có lối trang trí hoa văn rất độc đáo. Ba đại hồng chung khác được đúc từ thời Heian (794-1184) cũng rất nổi tiếng là ba quả chuông ở Daiun, Byodoin và Shingo. Chuông chùa Daiun ở Kyoto cao 1,15m có đường kinh là 55,3cm ; chuông chùa Byodin thì lớn hơn nhiều, cao 1,99m và đường kính 1,23m. Còn chuông chùa Shingo ở Kyoto cao 1,47m và đường kính 80cm. Ba quả chuông này mang ba đặc điểm nổi tiếng khác nhau. Chuông chùa Daiun có lối trang trí rất công phu và tinh xảo, chuông chùa Byodin có dáng vẻ rất đẹp và chuông chùa Shingo nổi tiếng vì những nét chữ được khắc lên trên. Tại cổ thành Kamakura có hai đại hồng chung khác cũng rất xưa, đó là đại hồng chung Chùa Kencho, cao 2m, đường kính 1,2m và đại hồng chung chùa Enkaku cao tới 2,59m và đường kính rộng 1,42m được đúc vào thời Kamakura. Có lẽ quận Fukuoka trên đảo Kyushu là nơi sản sinh nhiều nghệ nhân đúc chuông tài hoa. Hầu như tất cả những đai hồng chung lớn và nổi tiếng hiện nay ở Nhật đều được ra đời trên đảo này. Ngày nay, tất cả những đại hồng chung được kể trên đây đều được chính phủ Nhật giữ gìn cẩn thận như những quốc bảo khác ở nước này. Thông Đạt (theo Maha Bodhi) Tham quan Viện Bảo Tàng Chuông Cổ ở Bắc Kinh Chùa Giác Sanh ở Bắc Kinh ngày nay có tên gọi là "Đại Chung Tự". đứng ngay dưới cổng chùa, du khách sẽ thấy một tấm bia bằng bạch ngọc khắc 5 chữ "Sắc Kiến Giác Sanh Tự", được khắc vào năm Ung Chính thứ 11. Đây là ngôi chùa do Ung Chính Hoàng Đế sắc phong kiến lập. Vậy nguyên nhân gì lại đổi tên thành "Đại Chung Tự ?" Theo khảo cứu, vào năm đầu đời Thanh, một vị đại thần tâu cùng Hoàng Đế Ung Chính rằng : "chùa Giác Sanh ở Bắc Kinh thuộc hướng Càn, vườn Viên Minh thuộc hướng Tỵ. Chuông bản chất thuộc Kim nên dời đến chùa Giác Sanh như vậy thật thích nghi". Lại tâu : "gác 5 tầng phía sau chùa thuộc Thổ, nếu kiến tạo thêm một lầu gác đặt chuông, kết hợp được Kim - Thổ thì tuyệt". Ung Chính chuẩn tấu, liền di chuyển quả chuông đồng đời Minh từ chùa Vạn Thọ đến chùa Giác Sanh. Vì Đại hồng chung quý hiếm, tiếng vang ngân xa trăm dặm, mọi người gọi chùa Giác Sanh là "Đại Chung Tự", hơn nữa trong dân gian còn lưu câu : "người đi qua Đại Chung Tự, chuông chùa lớn hơn người". Đại Chung Tự (Giác Sanh Tự) hiện nay được xây dựng thành "Viện Bảo tàng Chuông cổ". Trong khu bảo tàng còn cất giữ hơn ngàn quả chuông đủ loại của nhiều triều đại. Như là quả chuông bằng gốm, bằng đá thời xã hội nguyên thuỷ ; quả chuông dòng họ Não, họ Nĩu đời Hạ Thương ; những quả chuông Phật Giáo, Đạo giáo, chuông trong triều đình của các thời đại Tần, Hán, Đường Tống, Nguyên, Thanh... trong số đó có nhiều quả chuông từ trước giờ chưa hề thấy. Trong điện Quán Âm còn có 7 quả chuông cổ, đều khắc chạm rất tinh xảo, nên nói "Cổ chung tinh phẩm triển". Quả chuông chính giữa đúc 22 hình rồng thăng thiên, dưới chuông là hình Bát quái. Chuông không khắc văn tự chỉ khắc hình Bát quái với một phù điêu ghi Càn, đại diện Thiên hợp với chữ "Càn" của Hoàng đế Càn Long. Hình rồng khắc trên chuông là tượng trưng đế Vương thời phong kiến, lại thêm đồng âm "Càn", ngụ ý do hoàng đế Càn Long kiến tạo. Sáu quả chuông còn lại điêu khắc tinh xảo với các tên gọi : "Song ưng xung thiên bài vân chung", "Tam thập tam điều long văn chung", "Hoa Nghiêm giác hải thông kinh chung", "Phiêu chá yến kinh lưu kim chung", "Bạch liên Phật tượng kiết tường chung", "Bồ đề thiền tư vân sức chung". Trong Đại hùng Bảo điện hiện có một dãy chuông được dự đoán đúc vào đời Ngạc Châu cách đây 2400 năm với chiều dài 10m, phân bố 3 tốp với 9 tầng, lớn nhỏ khoảng 64 quả, trên chuông rất nhiều hoa văn. Tấm biển trên lầu chuông khắc 4 chữ "Hoa Nghiêm Giác Hải", do hoàng đế Càn Long đời Thanh đề. Phía dưới là tấm biển đồng khắc "thế giới chi tối". Những quả chuông Vĩnh Lạc đời Minh cách đây hơn 600 năm, cao gần 10m, nặng 4,65 tấn, màu xanh đen, khắc đầy 23 vạn chữ, theo thuyết kinh văn này do hoàng đế Vĩnh Lạc đời Minh ngự chế, thư pháp Trầm Độ viết. Nếu du khách gõ nhẹ vào chuông, sẽ nghe những tiếng ngân vang, trầm mặc kéo dài... Trần Thiếc Binh, Như Phụng dịch Công phu 108 tiếng chuông Thiên Mụ "Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương". Đã hơn 300 năm qua, tiếng chuông Thiên Mụ vẫn đều đặn giữ nhịp thời gian. Nhưng, chuông ấy mỗi ngày hai buổi được gõ như thế nào thì mấy ai biết ? Tương truyền về linh khí Chùa Thiên Mụ (còn gọi là Linh Mụ) tọa lạc trên một ngọn đồi xã Hà Khê (cũ) mặt nhìn xuống dòng sông Hương, như thể đầu rồng ngoảnh lại, cách Cố đô Huế về phía Tây khoảng 5 km. Sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An viết năm 1553, đã mô tả về ngôi chùa : "Chùa nằm phía Nam xã Hà Khê huyện Hương Trà, ở trên đồi núi, dưới giáp dòng sông, cảnh đẹp vượt hẳn ba nghìn thế giới, gần gang tấc với thiên trì. Khách tản bộ đăng lâm bỗng chốc phát lòng lành, tiêu tan tục lụy...". Tương truyền, năm Tân Sửu (1601), chúa Nguyễn Hoàng, nhân buổi dạo chơi phong thủy, thấy vùng đồng bằng xã Hà Khê, có một ngọn đồi cao nổi lên như hình rồng quay đầu nhìn lại, phía trước trông ra sông dài, phía sau có hồ lớn, cảnh trí rất đẹp, hỏi người dân địa phương, người ta cho biết : Ngọn đồi này linh lắm, xưa có bà lão mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên ngọn đồi nói rằng : "Rồi sau sẽ có vị chân Chúa đến đây sửa núi lập chùa để tụ linh khí, giữ bền long mạch". Nói xong bà lão biến mất. Chúa Nguyễn Hoàng cho rằng đất này có khí thiêng mới lập chùa gọi tên là chùa Thiên Mụ. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), ông là một cư sĩ tại gia thọ giới với ngài Thạch Liêm hòa thượng, phái Tào Động, pháp danh là Hưng Long, rất chú trọng đến việc chăm lo kỷ cương phép nước, khuyến khích xây dựng chùa chiền, chấn hưng Phật giáo. "Bách bát hồng thanh" Chùa Thiên Mụ hiện có hai quả chuông. Một quả chuông được đúc vào năm Canh Dần (1710) đặt trong một ngôi nhà bát giác phía bên phải tháp Phước Duyên (nhìn từ trong ra). Chuông cao 2,50m, đường kính miệng 1,40m, cân nặng 3.285 cân (tương đương 1.986 kg). Trên chuông có khắc bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu "chú nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an". Tương truyền trong ngày rằm Phật Đản, chú nguyện đúc chuông có hàng trăm quan viên Phật tử đến quy y, thọ giới đã phát tâm thả vào vạc đồng sôi rất nhiều vật quý giá... bằng một niềm tin bất hoại. Chính vì vậy chiếc chuông đã mang trong mình cả những giá trị tâm linh và một hàm lượng hợp kim đặc biệt tạo nên âm thanh ngân nga siêu thoát. Đến thời vua Thiệu Trị, vua đã cho xây tháp Từ Nhân (sau đổi tên thành tháp Phước Duyên) cao 7 tầng và xây đình Hưng Nguyện, viết văn bia để lưu giữ công đức xây tháp và đình. Vua cũng cho xây dựng 2 tiểu đình trước Nghi môn để dựng bia đá khắc bài minh Thiên Mụ chung thanh và đưa chùa Thiên Mụ vào danh mục 20 cảnh đẹp chốn Thần kinh. Trong bài minh, có đoạn : "Bách bát hồng thanh tiêu bách kết, Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên...Một trăm lẻ tám tiếng chuông tiêu tan, trăm nỗi oan kết muộn phiền, Ba ngàn thế giới tỉnh ba duyên..." (ngộ lý duyên khởi của nhà Phật). Chuông này hiện nay chỉ được đặt như một pháp khí của chùa mà không đánh. Còn chiếc chuông đang làm nhiệm vụ giữ nhịp thời gian của "tiếng chuông Thiên Mụ" hiện nay được đúc vào năm Gia Long thứ 14 (1815), đặt trên lầu chuông bên trái cổng Tam Quan, để đi vào điện Đại Hùng. Trong thời đại phong kiến, người đánh chuông chùa Thiên Mụ do Tăng cang (chức danh do triều đình phê chuẩn) của chùa phân công. Kế tục hạnh nguyện và giữ hồn cho tiếng chuông Thiên Mụ hiện nay là các nhà sư trẻ đang tu học tại chùa. Thượng tọa Thích Trí Tựu cho biết từ xưa đến nay, chuông chùa vẫn được đánh mỗi ngày hai thời (2 lần), vào lúc 19 giờ 30 và 3 giờ 30 sáng. Mỗi lần đánh trong thời gian một tiếng đồng hồ (60 phút) bằng 108 tiếng chuông để xóa đi 108 nỗi phiền muộn trong thế gian. Theo giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong tam giới (gồm dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều có chung bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ, oán tắn hội khổ, ái biệt ly khổ và cầu bất đắc khổ). Từ căn bản của 8 điều khổ sẽ dẫn đến 108 nỗi phiền não được chia nhỏ theo trạng thái tâm lý và tình cảm. Trong mỗi tiếng chuông của người thiền giả đều mang theo tâm nguyện từ bi gửi gắm đến chúng sinh giải tỏa mọi muộn phiền đau khổ. Công phu gõ Chuông Thiên Mụ Cái khó của việc gõ chuông Thiên Mụ là không phải bất kỳ ai cũng làm được. Tiếng chuông đầu tiên phải cất lên đúng vào lúc 3 giờ 30 mỗi sáng, đều đặn trong một tiếng đồng hồ và phải đủ 108 dùi (lần gõ). Với người tu luyện chưa có đủ công phu thì chắc chắn sẽ không làm chủ được bản thân để mỗi sáng thức dậy đúng và đủ thời gian để đánh đủ 108 tiếng chuông trong thời gian 60 phút mà không phải canh đồng hồ hay dùng bất cứ phương pháp nào để giữ nhịp. Mỗi sáng sau khi thức dậy tĩnh tọa hành thiền, người đánh chuông bước xuống khỏi thiền sàng và đi trong bước chân thiền từ tăng phòng đến tháp chuông, đánh tiếng đầu tiên đúng vào lúc 3 giờ 30, không được sai lệch. Giai thoại thiền môn kể rằng, cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu là một thiền sư gắn liền nhiều nhất với hạnh nguyện đánh chuông. Lúc sinh thời, những khi còn khỏe, Hòa thượng vẫn thường thức dậy đánh chuông hằng đêm và tiếng chuông của ngài có âm thanh vang vọng thanh thoát một cách lạ thường. Những người cao niên ở các làng xung quanh khu vực Chùa Thiên Mụ như Nguyệt Biều, An Ninh Thượng, Long Hồ, Ngọc Hồ, Lựu Bảo, Xuân Hoa... nói rằng, khi nào Hòa thượng đi vắng hay đau ốm là biết liền. Bởi tiếng chuông được người khác thay thế là biết ngay; âm sắc và nhịp điệu của tiếng chuông khác hẳn. Tiếng chuông Thiên Mụ ngoài âm sắc của tiếng đồng được chế tác bằng một kỹ thuật đúc truyền thống hoàn hảo, nó được vang xa nhờ vào vị trí đặt chuông trên đồi cao, lại có dòng sông Hương trải dài như một chất dẫn truyền tự nhiên huyền diệu... Nhưng trên tất cả những yếu tố ấy còn có ẩn chứa một âm sắc vi diệu khó diễn đạt từ chính công phu thiền định và hạnh nguyện từ bi được chuyển tải trong mỗi tiếng chuông của người hành đạo. Ngày nay, trước hàng vạn tạp âm của nhịp sống đô thị, tiếng chuông Thiên Mụ hằng đêm vẫn giữ nhịp thời gian, gửi vào trần thế tiếng thiền vi diệu. Bùi Ngọc Long |