ANGULIMALA một câu chuyện về sức mạnh của lòng từ |
(hay chuyện chàng Vô Não) |
Nguyên Tạng dịch |
Thuở xa xưa có một chàng trai con của một vị Bà la môn (giai cấp "tu sĩ" cao nhất ở Ấn Độ) sống dưới triều đại vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc), thuộc vương quốc Kosala. Tên của chàng là Ahimsaka (người bất hại). Chàng được gởi đến thành phố Taxila để học hành. Ahimsaka rất thông minh và biết vâng lời thầy, nên chàng được cả thầy lẫn bà vợ thầy yêu mến. Điều này đã khiến cho các học viên khác ganh tỵ với chàng. Vì thế họ tìm đến thầy giáo và vu cáo Ahimsaka có mối quan hệ bất chính trái đạo lý với bà vợ thầy. Thoạt tiên, ông thầy không tin họ; nhưng sau khi nghe điều đó nhiều lần, ông nghĩ rằng đó là sự thật và thề sẽ trả thù Ahimsaka. Ông thầy nghĩ rằng việc giết học trò sẽ gây tai tiếng ảnh hưởng xấu cho ông. Cơn giận dữ thúc giục ông đề nghị một việc không thể tưởng tượng nổi đối với chàng thanh niên Ahimsaka trẻ tuổi và ngây thơ kia. Ông ta bảo cậu học trò phải giết 1000 người và mang về ngón tay cái từng người để trả học phí về việc dạy chàng. Cố nhiên chàng thanh niên không muốn nghĩ đến một việc kinh khủng như vậy. Vì thế chàng đã bị tống cổ ra khỏi nhà thầy và trở về với gia đình cha mẹ. Khi cha chàng biết được tại sao Ahimsaka đã bị đuổi, ông ta vô cùng tức giận đứa con mình và không chịu nghe lời giải thích lý do. Cũng chính trong ngày ấy, đang lúc trời đổ mưa xuống như trút nước, người cha ra lệnh Ahimsaka phải ra khỏi nhà. Ahimsaka chạy đến mẹ chàng và xin một lời khuyên. Nhưng bà không thể chống lại quyết định của chồng. Sau đó Ahimsaka tìm đến nhà vị hôn thê của chàng (theo cổ tục hứa hôn từ lâu trước khi đến hôn nhân thực sự ở Ấn Độ). Nhưng khi gia đình này biết lý do Ahimsaka bị đuổi ra khỏi trường, họ cũng xua đuổi chàng. Nỗi ô nhục, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng của Ahimsaka đã làm cho chàng điên tiết lên. Trong nỗi đau đớn cùng cực đó, đầu óc của chàng chỉ nhớ lại mệnh lệnh khắc nghiệt của thầy : góp nhặt một ngàn ngón tay người. Và vì thế mà chàng bắt đầu lao vào cuộc chém giết, và trong khi chàng giết hại như vậy, những ngón tay góp nhặt được chàng treo chúng lên cành cây. Nhưng chúng bị bầy quạ và diều hâu phá hoại, sau đó chàng đã mang một vòng ngón tay để theo dõi số lượng. Cũng vì điều này mà y dần dần được biết qua cái tên Angulimala (người đeo vòng ngón tay) và trở thành một nỗi hãi hùng cho vùng nông thôn này. Chính đức vua đã nghe được việc giết hại của Angulimala và ra lệnh bắt y. Khi bà Mantani, mẹ của Ahimsaka, biết được ý định của vua, bà đi vào trong rừng với những nỗ lực tuyệt vọng để cứu con bà. Lúc ấy, vòng đeo cổ của Angulimala có 999 ngón tay rồi, chỉ còn thiếu một ngón là đủ một ngàn. Đức Phật biết được nỗ lực ngăn cản của người mẹ đối với con bà và nghĩ rằng nếu Ngài không can thiệp vào thì Angulimala, đang tìm người cuối cùng để làm cho đủ số một ngàn, sẽ gặp mẹ mình và y có thể giết bà. Trong trường hợp đó, y sẽ chịu đau khổ còn lâu dài hơn nữa vì nghiệp ác của mình. Do lòng bi mẫn, Đức Phật đi đến khu rừng kia. Sau nhiều ngày đêm mất ngủ, Angulimala rất mệt và gần như kiệt sức, y rất nôn nóng tìm cách giết người cuối cùng để đủ số lượng một ngàn và hoàn tất phận sự của mình. Y quyết định giết người đầu tiên mà mình gặp. Khi nhìn xuống từ nơi ẩn mình trong núi, y thấy một người đàn bà trên con đường phía dưới. Y muốn làm trọn lời thề của mình để có đủ 1.000 ngón tay, nhưng khi đến gần, y nhìn thấy đó chính là mẹ mình. Lúc ấy, Đức Phật cũng đang đi tới, và Angulimala liền định thần quyết giết chết người du sĩ kia để thay cho mẹ mình. Y liền vung dao bắt đầu đi theo Đức Thế Tôn. Nhưng Đức Phật vẫn di chuyển trước mặt y. Angulimala không thể đuổi kịp được Ngài. Cuối cùng, y quát lên : "Này, khất sĩ kia, hãy đứng lại ! Đứng lại !", và đấng Giác Ngộ trả lời : "Ta đã đứng lại từ lâu, chính ngươi mới là chưa dừng lại thôi !". Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa của những lời này. Vì thế y lại hỏi : "Này khất sĩ, tại sao ông nói rằng ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng ?" Đức Phật đáp : "Ta nói rằng ta đã dừng lại vì ta đã từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như ngươi chưa an trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, ngươi vẫn là người chưa dừng lại". Nghe qua những lời này, Angulimala như được nhắc nhở thực tại và suy nghĩ, đây là những lời của một bậc hiền nhân. Vị khất sĩ này hiền thiệt và rất mực dũng cảm như thế chắc hẳn vị này là một nhà lãnh đạo các khất sĩ. Quả thực, chính Ngài hẳn là đấng Giác Ngộ rồi đây. Hẳn Ngài đến đây chỉ vì mục đích làm cho mình thấy được ánh sáng. Suy nghĩ như vậy, y ném vũ khí và thỉnh cầu Đức Thế Tôn tiếp nhận y vào giáo đoàn khất sĩ, Đức Phật đã chấp thuận việc ấy. Khi đức vua và quân lính đến bắt Angulimala, họ thấy người ấy đang ở trong tinh xá của Đức Phật. Biết rằng Angulimala đã từ bỏ ác đạo của mình và trở thành một vị Tỳ kheo, vua và quần thần đều đồng ý để yên vị này. Suốt thời gian ở trong Tịnh xá, Tôn giả Angulimala nhiệt tâm thực hành thiền định. Tôn giả Angulimala vẫn không được an tâm vì ngay cả trong lúc thiền định tĩnh lặng, Tôn giả thường nhớ lại quá khứ cùng với những tiếng gào thét thê thảm của những nạn nhân bất hạnh. Do một quả báo vì ác nghiệp kia, trong lúc đi khất thực trên đường phố, Tôn giả đã trở thành mục tiêu của đủ thứ gậy, đá ném vào và thường trở về tinh xá với hình ảnh vỡ đầu chảy máu, đầy vết thương bầm tím, rồi lại được Đức Phật nhắc nhở : "Này pháp tử Angulimala, con đã từ bỏ việc ác, hãy kham nhẫn lên. Đây là hậu quả của ác nghiệp mà con đã gây tạo ở đời này. Đáng lẽ ra ác nghiệp sẽ còn làm con khổ đau qua vô lượng kiếp nếu trước đây ta đã không gặp con". Rồi một buổi sáng, trong lúc đang trên đường đi khất thực ở thành Savatthi (Xá Vệ), Tôn giả Angulimala nghe tiếng ai đang kêu khóc đau đớn. Khi Tôn giả biết đó là một thiếu phụ mang thai đang đau vì chuyển dạ và gặp khó khăn lúc sanh con. Tôn giả suy nghĩ tất cả chúng sanh trên thế gian này đều phải chịu khổ đau. Động lòng từ, Tôn giả về bạch kể lại với Đức Phật nỗi khổ đau của người phụ nữ đáng thương kia. Ngài đã khuyên Tôn giả nói lên những lời thề nguyện chân thật, lời đó về sau này có tên là Angulimala Paritta (thần chú hộ mệnh Angulimala). Đi đến trước mặt người sản phụ đang chịu đau đớn kia, Tôn giả ngồi xuống cách bà ấy một tấm màn che và đọc lên những lời như phát nguyện sau : "Này chị, từ ngày tôi đắc quả A la hán, Tôi chưa từng cố ý sát hại mạng sống của sinh linh nào. Nhờ sự thật này, cầu cho chị được an lành và đứa bé sắp sanh của chị cũng được an lành". Ngay lập tức người sản phụ liền sanh con một cách dễ dàng. Cả mẹ lẫn con đều được khỏe mạnh. Cho đến nay nhiều người vẫn dùng đến thần chú hộ mệnh này. Tôn giả Angulimala thích sống độc cư và biệt lập. Sau đó Tôn giả viên tịch một cách yên bình. Là một vị A la hán, Tôn giả chứng đắc Vô dư Niết Bàn.
Các Tỳ kheo khác thỉnh ý Đức Phật nói về nơi Tôn giả Angulimala tái sanh, và khi Đức Thế Tôn đáp pháp tử Angulimala đã chứng đắc Vô dư Niết bàn, thì chư vị không thể tin điều đó. Vì thế chư vị lại hỏi liệu có thể nào một người đã giết quá nhiều người như vậy lại có thể chứng đắc Niết bàn Vô dư y chăng ? Trước câu hỏi này, Đức Phật đáp : "Này các Tỳ kheo, Angulimala đã tạo quá nhiều ác nghiệp, vì vị ấy không có bạn tốt. Nhưng về sau, vị ấy đã tìm được nhiều thiện hữu tri thức và nhờ sự giúp đỡ cũng như lời khuyên tốt mà vị ấy đã trở nên kiên định và chuyên tâm thực hành giáo pháp và thiền định. Như vậy, nghiệp ác của vị ấy đã được thiện nghiệp lấn át che phủ và tâm của vị ấy đã hoàn toàn đoạn trừ tất cả lậu hoặc". Đức Phật lại nói bài kệ về Tôn giả Angulimala :
"Ai cùng các hạnh lành
Xóa mờ bao nghiệp ác
Chiếu sáng cõi đời này
Như trăng thoát khỏi mây" Sức mạnh của lòng từ bi bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào. Và đó cũng là điều kiện tuyệt đối để giác ngộ./. . . o o O o o . . Kỹ Thuật Tỉnh Thức Trần Khải Khó có thể biết chính xác, hay khó có thể đo lường những con số về số lượng Phật tử, dù là tại Việt Nam hay tại Hoa Kỳ. Bởi vì lúc nào cũng có nhiều người tự xem mình là Phật tử, có khi tự xem mình là học giả về Phật giáo sau vài năm đọc kinh điển, mà không cần bước vào chùa hay cần phải gặp vị sư nào để học hỏi. Điều đó thật tự nhiên, bởi vì Phật giáo không ràng buộc, cũng không đẩy ra bất kỳ ai. Nhưng nói ngược lại cũng sẽ đúng, bởi vì vẫn đang có rất nhiều người chịu ảnh hưởng của Phật giáo, sống theo một số tin tưởng và thậm chí còn ngồi thiền theo Phật giáo, nhưng lại không hề xem mình là Phật tử. Cứ tự gọi là vô thần, hay đạo nào khác cũng được. Tại Mỹ con số này nhiều lắm. Hai trong những pháp thiền Phật giáo đang được nhiều người Mỹ tu tập là Minh Sát Thiền (Pali ngữ : Vipassana; Anh ngữ : insight Meditation) và Thiền Tào Động (Nhật ngữ : Soto), thì khi thực dụng lại hoàn toàn không đưa ra tín hiệu nào. Một phần được trích ra từ các pháp Thiền để biến thành cái người ta thường gọi là pháp Thiền Tỉnh Thức (Mindfulness Meditation) đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nơi tại Hoa Kỳ, vì các lợi ích cụ thể. Có khi, người ta tránh chữ Thiền (Meditation) vì mang chút ít ý nghĩa tôn giáo, nên gọi là Kỹ Thuật Tỉnh Thức (Mindfulness Techniques) để không gây dị ứng với ai hết. Rồi có nơi khi dạy pháp này, lại dạy kèm theo các tư thế (asana) của Yoga để biến thành một môn thể dục thực dụng, cho cả thân và tâm. Tuy nhiên, vấn đề là, ai tập cũng được không cần phải là Phật tử. Theo báo Columbian Missourian hôm 13-02-05, phóng viên Shannon Burke ghi nhận rằng, "lợi ích của Tỉnh Thức thay đổi tùy người, nhưng trong 2 thập niên qua, các cuộc nghiên cứu y khoa khám phá ra rằng những người tập kỹ thuật Tỉnh Thức, như thiền định hay Yoga, có thể đối trị với đau đớn nhiều lần, đối trị dễ hơn các điều kiện cảm xúc, như khi bị trầm cảm; giảm các mức độ căng thẳng, giảm lo lắng; và tăng khả năng hệ miễn nhiễm". Thế cho nên, Phil Jacson, người làm Huấn Luyện Viên cho hai đội bóng cà na Chicago Bills và Los Angeles Lakers để thắng 9 giải vô địch NBA, đã dùng các kỹ thuật thiền định để động viên và khuyến khích các cầu thủ của ông. Trên tòa án cũng đang dùng tới tỉnh thức. Một chương trình ở St Louis, có tên Dự Án Án Tù Giác Ngộ (Enlightened Sentencing Project), gồm một mạng lưới các thẩm phán tòa án hình sự, các vị này ra án buộc các người thọ án treo và án quản chế phải theo học một khóa, trong đó dạy Tỉnh Thức, Yoga và phép thở như một cách kiểm soát giận dữ, giảm nghiện ma tuý và loại trừ tính tình hung dữ. Sinh viên đại học cũng học thiền nữa. Đại Học Luật Missouri (MU school of law) cũng dạy kỹ thuật Tỉnh thức cho sinh viên. Người chỉ huy chương trình Initiative on Mindfulness in Law and Dispute Resolution tại trường MU là Leonard Riskin, đã đưa tỉnh thức vào nhiều đại học luật và nghề pháp lý. Nhưng điều chắc chắn là những người tập pháp đó không xem mình là Phật tử, mà cũng không tự xem mình là Ấn Độ Giáo khi dùng các tư thế Yoga. Cũng hệt như người tập võ Thiếu Lâm, cũng không xem mình là tín đồ của Phật Giáo. Tờ Journal for the Scientific Study of Religion (tạp chí Nghiên Cứu Khoa Học về Tôn giáo) mới đăng một cuộc nghiên cứu của hai người : nhà xã hội học về tôn giáo Hoa Kỳ Robert Wuthnow và nhà nghiên cứu Theravada tại Hoa Kỳ là Wendy Cadge. Khám phá này thực ra không có gì lạ đối với người Việt Nam mình. Nhưng với Mỹ thì là một hiện tượng lạ. Rằng rất nhiều người thường xuyên đi các chùa Phật giáo và trung tâm thiền tập mà lại không xem mình là Phật tử. Thí dụ cụ thể, có khoảng 50% số độc giả của Tricycle, một tạp chí Phật giáo lớn ở Hoa Kỳ, không tự xem mình là Phật tử. Sử gia về Tôn giáo Hoa Kỳ Thomas Twêd thì đưa ra chữ "Nightstand Buddhists" (Phật tử bên đèn) để chỉ cho những người có thể đọc 1 cuốn sách Phật giáo trước khi ngủ, hay là có thể ngồi thiền vào buổi sáng. Dựa trên cuộc nghiên cứu thực hiện trong các năm 2002-2003, Wuthnow và Cadge thấy rằng 1/7 người Mỹ đã từng tiếp cận ở mức độ tương đối, đối với Phật giáo đã ảnh hưởng đến đời sống tôn giáo của họ. Đó là những con số cao bất ngờ. Hiện thời có khoảng 4 triệu người Mỹ tự xưng mình là Phật tử. Nhưng bản nghiên cứu cho thấy hiện tượng bất ngờ : khi hỏi có bao nhiêu người Mỹ đưa nếp sống Phật giáo vào đời sống tâm linh của họ, thì con số là 12.5% dân số, tức là có khoảng 26,125,000 người thành niên Hoa kỳ. Còn con số người Mỹ nói rằng chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo thì cũng gần như trên : tới 12%, túc là 25,080,000 người Mỹ thành niên. Thế nghĩa là, con số sống theo đạo Phật hay chịu ảnh hưởng đạo Phật nhiều hơn gấp 6 lần số người có căn cước Phật tử. Còn con số người Mỹ có lượng tiếp cận tương đối với Phật giáo là 14%, tức 29.260.00 người thành niên. Chính vì có sức lôi cuốn như thế, nên một số người đã bày tỏ dị ứng với các kỹ thuật an tâm của Phật giáo. Hiển nhiên là, tập Yoga không phải là tín đồ Ấn Độ giáo, thì tập Kỹ Thuật Tỉnh Thức cũng không phải là Phật tử. Trở lại bài báo trên Comlubian Missourian, giáo sư Leonard Riskin mới bị shock khi nhận biết rằng anh sinh viên luật năm thứ 3 Andy Hirth gởi lên Hội Đồng Khoa, khiếu nại rằng Kỹ Thuật Tỉnh Thức do trường đại học MU giảng dạy có thể dẫn sinh viên vào Phật giáo. Hirth nói, "Ngay cả nếu chương trình được xóa bỏ toàn bộ mọi liên hệ với bất cứ điều gì có thể được xem có tính tôn giáo, thì dường như chương trình vẫn là một cánh cổng dẫn người ta quan tâm vào Phật giáo, điều tôi không nghĩ là thích nghi". Theo luật, các đại học công lập không được truyền giáo. Nhưng nếu tỉnh thức không giúp gì được cho người đạo khác, thì làm sao con số người "quan tâm" và "chịu ảnh hưởng" lên tới 25 hay 26 triệu người Mỹ. Viện Trưởng đại học MU Brady Deaton trả lời thư khiếu nại của Hirth rằng, MU thường xuyên mời các diễn giả và nghệ sĩ tới trường "để sinh viên tiếp cận nhiều ý kiến và kinh nghiệm, cả trong và ngoài lớp học. Trong khi đó chúng tôi không có ý dạy pháp tu tâp của tôn giáo nào, chúng tôi vẫn khuyến khích trao đổi ý kiến về tôn giáo". Đây cũng là chỗ mà các nhà giáo dục quan tâm : dạy kỹ thuật Tỉnh thức sẽ giúp thanh niên chữa các bệnh ma tuý, bớt các thái độ bạo hành. Mà không cần nhắc gì tới tôn giáo hay tín ngưỡng... |