Truy tầm pho tượng Phật
 
Julie M. Bowles
Los Angeles Times
 

BAMIAN, A Phú Hãn - Đối với nhà khảo cổ Zemaryalai Tarzi, thật đau lòng khi quay trở về nhìn vách núi đã bị tàn phá, nơi mà hai pho tượng Phật khổng lồ cổ kính từng đứng sừng sững cho đến khi chế đô. Hồi Giáo quá khích Taliban điếm nhục phá nổ thành mảnh vụn.

"Đối với tôi, tất cả những gì ở đấy đều tan tành," ông Tarzi nói, chỉ tay vào đống bụi mầu hồng đào và những khối đá trước kia từng là những phần của hai pho tượng. "Đến nơi này, nhìn những gì đã mất, là ruột gan đau thắt."

Nhưng nhà khoa học đeo kính cận thị - người 35 năm trước từng khởi nghiệp trong cái thung lũng ngái ngủ ở vùng cao nguyên trung bô. A Phú Hãn này - không để cho sự phá hoại hoàn toàn hủy diệt mình. Ông đã quay lưng vào vách núi, cầm xẻng cắm xuống đất để săn lùng một di tích phi thường - có lẽ di tích này còn lớn hơn năm lần so với hai pho tượng chịu đựng sự sân si của bọn Taliban, một pho tượng Phật nằm đã biến mất từ lâu ở Bamian.

"Chúng tôi đào bới," ông Tarzi nói, "để truy tầm pho tượng vĩ đại nhất thế giới." Thật khó mà tin được tác phẩm điêu khắc này đã biến mất. Căn cứ vào các tài liệu của thầy Huyền Trang*, một nhà hành hương người Trung Hoa, thì thầy đã nhìn thấy pho tượng Phật nằm này vào năm 629 sau T.C.G.S., pho tượng ấy dài đến 1,000 bô. Anh.

Cho đến hôm nay, thì những chỉ dẫn viết từ 1,375 năm trước của nhà hành hương người Trung Hoa vẫn còn là những mô tả chi tiết nhất về pho tượng Phật nằm. Có lẽ được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 6, nhưng đã hàng nghìn năm nay không có ai nhìn thấy pho tượng ấy. Và ngay các chuyên viên tin tác phẩm điêu khắc này có thật, cũng vẫn ngờ vực về kích thước pho tượng với chiều dài hơn ba cái sân banh bầu dục.

Nếu ông Tarzi thành công trong việc xác định được vị trí pho tượng, thì khám phá này sẽ có nhiều ý nghĩa hơn là chỉ phát hiện ra pho tượng Phật lớn nhất. Nó có thể là thứ nước cam lồ xoa dịu tâm trí để làm nhẹ bớt cái mặc cảm phạm tội tập thể cho dân A Phú Hãn do hành động phá hoại của Taliban, và là lợi ích tài chánh để phục hồi các cơ hội cho thị trấn Bamian với tư cách một thủ đô du lịch của đất nước này.

Cái thị trấn với khoảng 10,000 dân đã bắt đầu nhặt nhạnh những mảnh vụn của lịch sử và kinh tế tan nát. Các du khách đeo ba lô đang từ từ quay lại những quán trọ nằm sau một tiệm tạp hóa mới xây để thay cái tiệm cũ bi. Taliban phá sập. Các du khách nước ngoài, thuộc loại sang trọng hơn, đang giữ chỗ thuê những ngôi lều yurt với giá 50 đô một đêm tại ngôi khách sạn của nhà nước đã mở lại.

Các chuyên viên Nhật đã đến nghiên cứu những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trong hang động khu vực này và đang xây cất một trung tâm khảo cổ. Các chuyên viên Đức bắt đầu lập danh mục những tảng đá vỡ từ hai pho tượng Phật khổng lồ, trong lúc các cuộc tranh luận vẫn tiếp tục về việc liệu có nên dựng lại những pho tượng ấy, và dựng lại như thế nào. Và khu đất này rồi sẽ sớm biến thành một bảo tàng viện. Nhưng có lẽ sứ mạng của ông Tarzi mới gây ra những mong đợi cao độ nhất.

"Nếu tìm được pho tượng Phật nằm," ông Najaf Ali Ashana, tổng quản đốc khách sạn Bamian của chính phủ, nói, "thị trấn Bamian sẽ có giá trị trở lại."

Cuộc truy lùng pho tượng Phật nằm đang diễn ra trong chín hố đất, cách nơi pho tượng nhỏ hơn trên vách núi trước đây vài trăm thước về hướng đông. Bẩy mươi người đàn ông địa phương, mỗi người được trả 3 đô một ngày, bận rộn xúc đất đổ vào những chiếc xe cút kít. Họ đào bằng dụng cụ cầm tay, và ở các khu hứa hẹn tìm ra cổ vật, họ dùng bàn chải và những dụng cụ nhỏ bé như mượn từ phòng răng của nha sĩ.

Cuộc khai quật khởi sự từ mùa hè qua, đã đem lại vài món cổ vật, đáng kể nhất là bẩy cái đầu thần tượng Phật giáo bằng đất sét không nung, kích thước mỗi cái khoảng một trái dưa nhỏ. Ông Tarzi tin rằng phát hiện này xác nhận là ông đã tìm được chỗ gọi là Tu Viện Đông Phương, nơi thầy Huyền Trang tường thuật là đã từng nhìn thấy pho tượng Phật nằm.

Toán khai quật cũng tìm thấy được những gì trông giống như vài phần còn lại của những bức tường dầy. Dù có thể đây là bức tường tu viện, nhưng ông Tarzi lại tin có lẽ chúng thuộc về một phần bọc khổng lồ bên ngoài từng che chắn cho bức tượng Phật nằm.

"Nếu muốn xây tường để chống đỡ một kiến trúc khổng lồ, thì người ta phải xây theo cách này," ông Tarzi nói, và tính toán rằng nếu pho tượng quả thật dài đến 1,000 bô. Anh - chiều dài của một cao ốc 100 tầng nằm ngang - thì kích thước này phải có một phần bọc bên ngoài cao ít nhất 30 bô. Anh.

Những pho tượng Phật lớn, trong tư thế parinirvana - Phật nhập Nát Bàn - cũng có mặt ở Thái Lan, Tích Lan và các quốc gia khác, nhưng không pho nào lớn được gần 1,000 bộ. Những pho nhỏ hơn cũng được tìm thấy ở các nơi khác tại A Phú Hãn. Tư thế các pho tượng ấy biểu hiện lúc đức Phật 80 tuổi, nằm nghiêng trên tay phải, đầu hướng về phương bắc, đang nhập trạng thái siêu thoát cuối cùng.

Nếu có tìm thấy pho tượng Phật nằm ở Bamian, thì có lẽ pho tượng này cũng ở trong tình trạng rất xấu. Ngay những pho tượng Phật đứng, dù được hốc núi bảo vệ, nhưng cũng bị sức mạnh thiên nhiên tác hại rất nghiêm trọng. Pho tượng Phật nằm, có thể làm bằng gạch đất sét thay vì bằng đá tảng, sẽ bị thiên nhiên tác hại nhiều hơn khi mà phần bảo vệ bên ngoài bị phá hủy.

"Có lẽ pho tượng đã bị xói mòn cực độ," ông Edmund Meizi, nhà phục chế người Đức hoạt động trong công tác bảo quản những mảnh vụn của hai pho tượng Phật đứng, phát biểu. "Hoặc có thể người ta đã ăn trộm gạch để xây nhà."

Ông Tarzi không nuôi ảo tưởng về việc sẽ đào lên được một pho tượng vàng, khổng lồ, óng ánh. "Nếu chúng tôi tìm thấy thì pho tượng này cũng đã bị biến thoái rất nhiều," ông nói. "Tất cả những gì mà tôi hy vọng là có lẽ sẽ tìm ra những nếp cà sa hoặc những phần nhỏ khác. Chắc chắn các chi tiết bên ngoài đều mất cả."

Bất kể tình trạng tác phẩm điêu khắc này như thế nào, nhưng cứ khai quật để tìm kiếm - là một cơ hội mà ông Tarzi, nhà khảo cổ học 65 tuổi, không bao giờ dám mơ ước sẽ đạt được. Sau khi làm việc gần suốt thập niên 1970 với tư cách giám đốc khảo cổ và bảo tồn các công trình lịch sử A Phú Hãn, ông đã chạy sang Pháp khi Xô Viết xâm lăng nước ông vào năm 1979. Mười năm chiếm đóng dẫn đến một thập niên khác với những cuộc xung đột giữa các thành phần trong nước và việc cai trị của chế độ Taliban. Ông Tarzi trở thành công dân Pháp và giáo sư viện đại học Marc Bloch ở Strasbourg.

"Tôi đã lật qua trang sách A Phú Hãn và không bao giờ tin sẽ quay trở lại," ông nói. Công tác của ông được chính phủ Pháp tài trợ từ hai năm qua; tạp chí National Geographic cũng đóng góp cho công tác này.

Đối với nhà khảo cổ Tarzi, có lẽ Taliban là thời kỳ gay gắt nhất. Rất nhiều cổ vật mà ông tìm được tại Hađa, gần Jalalabad, đều bi. Taliban phá hủy. Những tay cai trị cực đoan đã hạ lệnh đập nát tất cả các cổ vật trước thời Hồi-giáo, kể cả những pho tượng Hy lạp, những pho tượng hoàng gia cổ, với lý luận rằng giữ những cổ vật ấy là sùng bái thần tượng.

"Tôi từng đau khổ rất nhiều sau khi Taliban phá hủy các pho tượng Phật và các công trình lịch sử khác," ông nói. "Khi nhà khảo cổ tìm được một cổ vật thì chẳng khác gì có một đứa con. Chúng tôi làm mọi khả năng để phục chế, bảo quản, chẳng khác người mẹ đối với các con. Đấy là một quan hệ rất đặc biệt.

"Nhưng họ đã giết chết các con tôi. Giờ đây, tôi đang cố để mà không gắn bó quá với nơi này." Với cảnh tượng khiêm tốn của thiên nhiên ngày nay, thật khó mà tin thị trấn Bamian đã từng có thời là quê hương của những công trình sang trọng. Ngày nay, nơi đây lác đác những căn nhà vách đất, chắp vá những mảnh ruộng khoai, ruộng lúa. Đây là nơi im vắng, giòng nước bùn mỏng mảnh chầm chậm trôi dọc mấy con kinh đào cạn, làn gió vờn qua những cành cây khẳng khiu, thỉnh thoảng mới có tiếng lừa từ xa vọng lại.

Nhưng trong thế kỷ thứ 7 và thứ 8, thị trấn này là một ngã tư thịnh vượng của những người du hành trên con đường Tơ Lụa nối liền La Mã đến Ấn Độ và Trung Quốc. Nó mọc lên như một trung tâm lớn của Phật Giáo, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ thứ 2, kéo dài khoảng 700 năm cho đến khi Hồi Giáo đến.

Mặc dù các nhà khảo cổ hãy còn tranh cãi về việc các pho tượng Phật đứng đã được đục khắc trên vách núi vào lúc nào, nhưng ông Tarzi tin pho tượng Phật nằm có lẽ được thực hiện vào thế kỷ thứ 6, cùng khoảng thời gian mà có thể pho tượng Phật lớn hơn trong hai pho tượng đứng, được đục khắc.

"Một pho tượng dài 1,000 bộ sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà du hành khác trước khi ngài Huyền Trang đến, nếu pho tượng ấy có tại đây," do đó mà những pho tượng vĩ đại này có thể đã không được thiết lập quá lâu trước khi nhà du hành người Trung Hoa đến vào năm 629, ông Tarzi lập luận.

Các chuyên viên từng ngờ vực về kích thước 1,000 bộ của pho tượng Phật nằm thường đề cập rằng chưa bao giờ có ai tìm ra được những văn bản nguyên gốc của sư Huyền Trang. Một số nói có thể người ta đã thêm thắt con số vào những lời mô tả của nhà sư về kích thước pho tượng, vì các tài liệu của sư Huyền Trang đã được sao đi, chép lại và lưu truyền qua nhiều thế kỷ.

"Tôi nghĩ 1,000 bô. Anh không phải là con số đáng tin, trừ phi đây là một loại hình thể thiên nhiên được biến cải hoặc được xem là một pho tượng Phật," bà Deborah Klimburg-Salter, giáo sư lịch sử nghệ thuật thuộc đại học Vienna, người từng viết nhiều biên khảo về Bamian, phát biểu. "Nếu pho tượng dài 1,000 bộ, thì chắc chắn nó không nằm trong một tòa nhà."

Tuy nhiên các tài liệu ghi chép những quan sát của nhà sư Huyền Trang lại từng được chứng minh là chính xác nhất. Nhà sư ghi nhận chiều cao của pho tượng Phật đứng, pho lớn hơn trong hai pho này, có chiều cao tính ra khoảng 140 đến 150 bộ. Trong thực tế, pho tượng này có chiều cao 175 bộ. Và những lời mô tả trong các tài liệu của sư Huyền Trang về một pho tượng Phật nằm ở Kushinagar, Ấn Độ, từng đưa Sir Alexander Cunningham đến chỗ khám phá ra được pho tượng dài 18 bô. Anh vào năm 1876.

Ông Tarzi khẳng định rằng một pho tượng Phật nằm khổng lồ không phải là chuyện huyễn hoặc. Ông ghi nhận là tại các trung tâm Phật Giáo khác - những nơi có tìm thấy những pho tượng Phật đứng và nằm - thì những tượng Phật nằm luôn luôn lớn hơn những pho đứng, những chiều kích khác nhau đều được ấn định bằng một công thức toán học.

Nhưng làm thế nào mà một vật thể to lớn như thế lại có thể biến đi mất ? Bà Klimburg-Salter nói có thể có khả năng là pho tượng Phật mất tích từ lâu đã chôn vùi trong đống vụn, do những trận động đất xẩy ra ở A Phú Hãn qua nhiều thế kỷ. Những khối đá của vách núi từng là nơi khắc tượng Phật đứng và nay đã sụp đổ, bà ghi nhận là đã tạo nên một lớp vụn dầy vài thước. Nếu pho tượng Phật Nhập Nát Bàn tọa lạc trước bệ vách núi này, thì giản dị là có lẽ đã bị chôn vùi.

Chính vì thế mà ông Tarzi, cùng bốn sinh viên cao học người Pháp và vài chục người đàn ông địa phương đã hì hục đào những hố đất một cách lạc quan. Trong một ngày thứ Bẩy gần đây, công tác khai quật được tiến hành giữa lúc ba con bò đen và trắng lững thững đứng nhai cỏ gần đấy. Đồ vật thú vị nhất mà họ đào lên được là một cái vỏ đạn.

Rồi bất chợt trong một hố đất, có tiếng reo nho nhỏ. Ông Tarzi vội vã trườn khỏi cái ghế nhựa mầu nâu xẫm, nhẩy xuống hố. Một công nhân đang chải bụi trên khoảnh đất sét được nghi là bức tường còn sót lại, chỉ tay cho thấy một số vết đen giữa khoảng đất sét rám vàng.

"Cháy!" ông Tarzi nói, đôi lông mày nheo lại đầy xúc động.

Phải chăng đây là bằng chứng của những ngọn lửa mà quân Hồi Giáo đến xâm lăng A Phú Hãn vào thế kỷ thứ 9 do Yacub bin Lays Safari cầm đầu, đã phá tan và thiêu rụi những gì ông tìm thấy, kể cả cái thị trấn Bamian?

Câu hỏi treo lơ lửng trong không gian. Mặt trời bắt đầu hạ xuống, trùm lên phong cảnh một làn ánh sáng mờ đục. Các công nhân đứng lên thu dọn dụng cụ.

Những gì họ tìm thấy được ghi nhận trong một cuốn sổ, sẽ thêm vài manh mối thu lượm trong ngày, kể cả vài ma...