Thích Trí Quang
 

Năm 1963, tại miền Nam Việt Nam, suốt thời kỳ Phật Giáo bị chế đô. Đệ Nhất Cộng Hoà đàn áp, Thượng Tọa Thích Trí Quang là nhà lãnh đạo Phật Giáo được báo chí quốc tế nhắc nhở tới nhiều nhất. Khi Chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, việc TT Trí Quang vượt khỏi hàng rào nhà tù vào lánh nạn trong Toà Đại Sứ Mỹ tại Saigon từng được coi là một bí ẩn, mọi chi tiết chưa từng được kể lại. Tuần báo Time đã đăng hình Thượng Toạ với lời ghi chú "Người làm rung rinh nước Mỹ".

Khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, TT Trí Quang là Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, trong khi TT Thích Tâm Châu là Viện Trưởng Viện Hoá Đạo.

Từ sau 1975 cho tới nay, TT Trí Quang vẫn sống yên lặng tại Saigon, hiện tĩnh tu tại chùa Già Lam. Bên cạnh việc san dịch kinh sách, vị Thượng Toạ năm xưa - nay đã là một Hoà Thượng - đang hoàn tất một hồi ký đặc biệt về cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam. Sau đây là một số trang đặc biệt, trích từ Hồi Ký chưa xuất bản của Hòa Thượng Thích Trí Quang, vừa được công bố trên tạp chí Phật Giáo Việt Nam.

Ngọn Lửa Quảng Đức "Thân người khó được", đó là lời dạy toàn bộ Phật giáo. Chỉ trong Phật giáo đại thừa mới nói đến sự tự thiêu. Nói ít nhưng trang trọng là Pháp Hoa. Đặc biệt Bồ tát giới Phạm Võng cấm đi và ở những nơi nguy hiểm, tai nạn, nhưng cũng nói đến sự tự thiêu. Cả hai xuất xứ trên đây đều nói tự thiêu là khổ hạnh. Khổ hạnh này xuất từ ý thức và tâm nguyện có hai đặc thái : xót xa Phật pháp điêu đứng và xót thương quần chúng đau khổ. Khổ hạnh tự thiêu tuyệt đối phải là không phải tự sát. Khổ hạnh tự thiêu cũng không phải chỉ tự đốt thân thể, mà phụ thuộc việc này còn có những sự tự đốt một phần thân thể. Sự tự đốt một phần thân thể là vì muốn tự thử nghiệm nội lực, thử chịu khổ hạnh.

Phía người ngoài thì không ai được yêu cầu hay khuyến khích sự tự thiêu, được chăng chỉ có sự không trở ngại mà thôi. Chỉ có vị thầy truyền thọ Bồ tát giới mới có thể có lúc nói đến sự tự thiêu một phần thân thể để xét nghiệm người xin thọ Bồ tát giới có thể hay không thể có cái chí nguyện dũng mãnh .Không thể có thì vị Thầy phải đào luyện cho họ có thể có cái chí nguyện ấy mới truyền thọ Bồ tát giới. Tự thiêu một phần hay toàn thân thể, như vậy, là xuất từ nguyện lực, một trong những sức mạnh mà Phật giáo nói đến...

Nay nói về ngài Quảng Đức. Chính trong những ngày quyết liệt nhất mà tôi nhận được thư của Ngài. Thư viết trên miếng giấy nhỏ, dĩ nhiên để dễ mang đi cho kín đáo. Thư do một ký giả người Việt làm cho một hãng thông tấn ngoại quốc cẩn trọng đưa tận tay tôi. Thư viết chữ nghiêm trang. Rằng đạo pháp trong cơn nguy khốn mà tôi tuổi già sức mọn, không làm gì được. Nên tôi xin học đức Dược Vương, nguyện thiêu thân mình để cầu cho đạo pháp trường tồn. Ngưỡng mong liệt vị trưởng thượng tôn túc từ bi hứa khả, và quyết định cho lúc nào thực hiện.

Xét đây là việc trọng đại nên tôi không dám quyết định. Một cuộc họp được mở ra khẩn cấp, với sự hiện diện của ngài Hội chủ, các Thầy Trí Thủ, Thiện Siêu, Thiện Minh và tôi. Ai cũng xúc động nhưng không quyết định gì, chỉ giao cho tôi xét kỹ nên chấp nhận ý nguyện của Ngài hay không, chấp nhận thì nên thực hiện vào lúc nào, dĩ nhiên là ở Sài gòn. Được giao như vậy, nhưng tôi trang trọng cất giữ trong người bức thư của Ngài mà chưa quyết định gì, kể cả việc phúc đáp cho Ngài. Thế rồi trong lúc Từ Đàm bị bao vây dữ dằn thì tin ngài tự thiêu được ông Đằng mật báo liền cho tôi. Liền hôm sau ông Diệm mời Phật giáo thương thuyết. Sự tự thiêu của Ngài như vậy là cái mốc của giai đoạn mới trong cuộc Vận động 1963.

Trước đây tôi không quen biết với Ngài, chỉ gặp một lần khi Ngài trù trì chùa Phước Hòa, biết Ngài chuyên tâm trì tụng và lễ bái Pháp Hoa. Giai đoạn trước khi Ngài tự thiêu tôi cũng chỉ biết mỗi một bức thư nói trên. Sau này mới biết, trước khi tự thiêu, Ngài chuẩn bị một cách chân thành, bình dị và kín đáo. Vẫn trì tụng lễ bái Pháp Hoa hằng ngày. Vẫn sinh hoạt bình thường. Tế nhị lắm mới thấy Ngài có vẻ như người sắp đi xa. Quan trọng nhất là di chúc của Ngài. Một vị tân tỳ kheo gần Ngài mà đến hôm Ngài sắp tự thiêu mới biết được ý nguyện và bản di chúc ấy.

Bản di chúc ấy bình dị, chân thành, quan trọng nhất là ý thức chứa đựng bên trong. Chính ý thức này chứa đựng tâm nguyện Bồ tát của Ngài. Không oán trách đến cả ông Diệm, ngài chỉ nói tự đốt thân mình để cầu cho ông sáng suốt... Ngoài di chúc, Ngài còn một tấm ảnh và một quả tim. Về tấm ảnh, một ký giả chụp được lúc ngọn lửa bùng lên gần khắp người Ngài rồi, còn lại chỉ có một bên vai, gần một nửa trên đầu, trán cũng đã có lửa, chỉ mặt còn nguyên.

Chính trong lúc như vậy mà nét mặt Ngài hoàn toàn bình thản, siêu thoát, không một nét nhăn hay một chút ráng sức. Bức ảnh này được giải thưởng quốc tế. Lại nghe nói lửa bùng lên hoàn toàn mà Ngài vẫn an tọa. Cho đến lửa tắt, một tấm hình khác cho thấy Ngài ngồi như pho tượng đồng đen. Sau đó một lúc Ngài mới gật đầu xuống như thể cúi chào tăng ni Phật tử, rồi nhẹ nhàng bật ngửa người ra. Ngài tự thiêu mấy hôm rồi tôi mới vào Sài gòn. Tình trạng khi Ngài tự thiêu, nghe nói cực kỳ bi tráng, cho đến nay vẫn là không tiền khoáng hậu.

Về đám tang của Ngài, tôi sẽ nói đến trong chương 30. Nay hãy nói đến sự kiện quan trọng nhất là quả tim của Ngài, "quả tim Quảng Đức". Việc hỏa thiêu nhục thân của Ngài là do thầy Thiện Hòa chủ trì. Thiêu rồi lấy ra, trong đống tro tàn còn một khối thịt mà vị trí cho biết đó là quả tim. Thầy Thiện Hòa cho vào lò thiêu lại cũng vẫn không cháy. Lại thiêu nữa nhưng xăng hết.

Bấy giờ rất đông ký giả hiện diện. Họ chạy kiếm xăng giúp. Bấy giờ chỉ họ mới đi lại được dễ dàng. Họ kiếm được mấy can xăng super, đem thiêu kỹ, nhưng lấy ra vẫn không cháy. Việc này làm cho tôi tin, xưa, ngài La Thập sau khi hỏa thiêu cái lưỡi vẫn còn. Nhưng ở đây mọi thắc mắc dị nghị hoàn toàn không có được nữa. Vì đây là việc mà trên dưới 50 ký giả, đa số là ký giả quốc tế, không những cũng chứng kiến mà còn dự vào.

Về quả tim này tôi vẫn nói đến vào gần cuối bản tự ghi này. Ở đây chỉ nói khi hỏa thiêu ngài rồi, tôi thảo để ngài Hội chủ ký một thông bạch. Cuối thông bạch ấy tôi viết "cầu nguyện vị nhục thân Bồ tát gia hộ cho cuộc vận động của Phật giáo đựơc thành tựu". Và niệm "Nam mô đại hùng đại lực Quảng Đức bồ tát"; Hồng danh Bồ tát Quảng Đức khởi đầu từ đó. Hồng danh ấy, và Bồ tát Quảng Đức, cho đến nay chính những người duy vật cũng không thể không công nhận. Một trong những sự bất diệt của cuộc vận động 1963 là sản xuất một vị Bồ tát.

Sự tự thiêu của Bồ tát Quảng Đức ngay khi mới xảy ra đã làm cho ông Diệm rụng rời. Rồi mấy giờ sau, cả thế giới, nhất là ở Mỹ, ngọn lửa tự thiêu của Ngài rực lên trên máy truyền hình, đốt cháy tan tành hình ảnh ông Diệm và chế độ của ông. Ngọn lửa Quảng Đức chung đúc và làm sáng lên cái khí thế cao độ mà ông Diệm không còn giữ được gì về thái độ và chính sách của ông.

Dân tộc Việt Nam có lắm vĩ nhân. Nhưng Bồ tát Quảng Đức là vĩ nhân mà siêu nhân. Từ Rạch Cát đến Tòa Đại sứ Mỹ Nói Saigon mà chỉ nói Xá lợi cũng đủ để hình dung. Quân đội vòng ngoài, cảnh sát lái xe tải chờ sẵn, rồi lực lượng đặc biệt có công an phụ lực, tấn công vào chùa lúc 11 giờ đêm. Đạn thật, đạn giả, lựu đạn cay, phi pháo, rồ lên loạn xạ. Dùi cui và búa được dùng để đập phá cửa ngõ của chùa, đánh vào đầu vào ngang lưng của tăng ni Phật tử. Chết chóc cũng có, bất tỉnh nhiều nhất, nhiều hơn nữa là lỗ đầu, u trán, sưng mặt, vẹo người, què tay chân. Khói lựu đạn cay và thuốc súng xông lên, bám hay xém vào y áo tăng ni Phật tử mà sau đó mười ngày ở trong Rạch Cát vẫn còn nồng nặc.

Các thầy Tâm Châu, Thiện Hoa, Hộ Giác, Đức Nghiệp, Giác Đức, Chánh Lạc, cụ Chánh Trí, đều bị còng tay điệu ra, tống lên xe tải hay xe nhỏ. Ngài Hội chủ, một bên trán mặt đỏ và sưng lên thấy rõ, cũng bị điệu ra, lên một xe riêng. Còn tăng ni Phật tử, Nam tông cũng như Bắc tông, thương tích máu me, y áo tơi tả, vừa bị đánh đập vừa bị lôi kéo, tống hết lên xe tải, đậu từ Xá Lợi ra đến đường Hiền Vương. Đồ đạc Xá Lợi thì trên từ tòa sen của Phật xuống đến bất cứ cái gì, chúng nghi và ghét là đập phá. Chúng lại tịch thu, ăn cắp. May mà trước đó quả tim của ngài Quảng Đức và những gì trong tủ két đã được cụ Chánh Trí đưa gửi ngân hàng. Bản thảo một cuốn sách của tôi đang sửa chữa cũng được gửi theo.

Ngang đây tạm ngưng để nói đến hai vị Thánh, hai vị Bồ tát, đầu tiên trong giai đoạn thiết quân luật, là cháu Quách Thị Trang và ngài Quảng Hương. Nguyên cảnh sát canh gác chúng tôi ở trại Rạch Cát có một số người Miên. Ngay hôm mới vào, họ đã bí mật liên lạc với chư tăng Nam tông chùa Changransey, cho biết khá nhiều tin tức và tình hình ở ngoài. Tin tức họ cho có sự bị giết của cháu Quách Thị Trang và sự tự thiêu của ngài Thích Quảng Hương. Ngài thì tôi đã ghi rồi, ở trong chương 28. Còn cháu Quách Thị Trang là nữ sinh trung học đệ nhất cấp, đoàn Gia đình Phật tử Giác Minh. Đêm hôm ông Diệm thiết quân luật thì ngay sáng hôm ấy cháu cùng một số Phật tử tức khắc trà trộn vào chợ Bến Thành, từ đó xông ra công trưòng trước chợ mà biểu tình. Cháu cầm biểu ngữ bằng tấm bảng, viết vội vàng "yêu cầu thả tăng ni Phật tử". Cháu xông lên trước, hô lớn "phản đối đàn áp Phật giáo", "đả đảo đánh phá chùa chiền", "đả đảo", "đả đảo". Cháu vừa hô vừa khóc. Phật tử cùng biểu tình cũng hô cũng khóc. Quần chúng Phật tử trong chợ đổ ra, hô theo.

Nhân viên công lực bấy giờ tàn bạo hết nói. Chúng có cái quyền "tiền trảm" mà không cần "hậu tấu"; Chúng đây là cảnh sát đồn Lê Văn Ken hay gì đó. Chúng bắn cháu chết tại chỗ, bắn ngay vào ngực của cháu. Rồi chúng bắn thật, bắn dọa, đánh đập hết cỡ, hành hung loạn xạ, vây bắt đem đi hết. Ở trong trại Rạch Cát ai nghe cũng ngậm ngùi, ứa nước mắt. Chỗ cháu bị bắn chết, sau này, học sinh sinh viên đặt tên là công trường Quách Thị Trang. Chợ Bến Thành được đổi gọi là chợ Quách Thị Trang. Một tượng bán thân của cháu được một sinh viên tự đắp lấy và dựng tại công trưòng này.

Quay lại kể tiếp. Riêng tôi, khi tấn công Xá Lợi, chúng dỡ họa đồ ra tìm đúng chỗ tôi là các tầng tháp Xá Lợi. Chỗ nằm, chỗ làm việc, chúng tìm không sai. Nhưng chúng không ngờ một tuần trước đó vì chịu không nổi mùi sơn viết biểu ngữ, tôi đã xuống hậu tẫm của chánh điện Xá Lợi. Ở đó sát vách với bộ phận tăng ni đánh máy quay ronéo. Nên tôi bị bắt với bộ phận ấy. Vì vậy mà chúng đã không tìm ra.

Lúc lên xe tải, cảnh sát lái và cảnh sát gác hỏi nhỏ có ông lớn nào thoát không? Chúng tôi không ai trả lời gì. Sau đó biết cảnh sát trên các xe khác cũng hỏi như vậy. Rồi cả đoàn xe chạy. Một hồi thì ngừng. Thì ra chiếc xe đi truớc hết bị hỏng (sau này nghe nói là cố ý). Mà đường thì hẹp. Nhìn ra thấy đường nằm trên cánh đồng. Đường thấp, đồng có nước mà chắc là cạn. Các anh cảnh sát nói chuyền với chúng tôi, nói rất nhỏ, rằng ai muốn thì thoát đi. Nhưng không ai làm việc ấy cả.

Một hồi thì xe lại chạy. Đến một nơi mà sau đó biết tên là đồn Rạch Cát. Bấy giờ quãng 3,4 giờ sáng. Không mưa nhưng lạnh. Chúng tôi bị lùa vào hai dãy nhà. Tôi với một số chư tăng vào một nhà. Thì đã thấy có chư tăng ở trước đó. Mới biết Giác Minh, Ấn Quang, Già Lam, Huệ Nghiêm, Pháp Quang, Changransey cũng bị bắt cả rồi. Bên dãy nhà chư ni và Phật tử cũng là như vậy. Tôi hơi mệt, nền nhà lạnh và dơ mà vẫn nằm. Thì có một tăng sĩ mà đến nay tôi vẫn chưa biết là ai, đến ngồi xếp bằng bảo tôi gối đầu lên vế của thầy mà ngủ. Quảng một giờ cả nhà hơi nhốn nháo. Thì ra cụ Chánh Trí bị buộc đi theo hai cảnh sát ruồng trong các nhà. Vừa đi, cụ vừa nhìn vừa nói không có, không có. Khi đến tôi, chúng tôi nhìn nhau mà cụ càng nói không có, không có. Mới hay chúng dẫn cụ đi nhìn mặt để bắt tôi.

Sau đó biết các lãnh đạo cấp cao và cấp kế đều bị bắt đi riêng cả. Ai chưa thì họ lùng trại Rạch Cát mà bắt. Thế nhưng sót lại còn ngài Thiện Luật, tôi với thầy Huyền Quang, thầy Hộ Giác. Phần tôi, họ lùng không ra, lại nghi tị nạn ở tòa đại sứ nào rồi. Sau đó tin cho biết như vậy. Lại cho biết họ vẫn còn nghi, đã cho một thầy vốn học cùng Phật học viện với tôi, làm như bị bắt mà vào Rạch Cát dò xét. Quả có thầy ấy. Thầy giáp mặt tôi mà không nói gì, rồi cũng không thấy gì.

Nay hãy tiếp tục câu chuyện. Khi họ lùng rồi, vị tăng sĩ trên nói với tôi, bây giờ gần sáng rồi. Khi thầy ngủ, chúng con đã bàn với nhau. Bây giờ xin thầy mặc y Nam tông (đã có một tăng sĩ Nam tông đợi đổi y áo với tôi). Rồi dời qua ở bên nhà của chư tăng Nam tông. Ở đó có cả chư tăng chùa Changransey, sẽ bảo hộ thầy. Ngoài ra chư tăng Già Lam được phân công theo dõi thầy mà giúp đỡ. Bổn phận con đến đây là hết. Tôi ngạc nhiên và cảm kích sự sắp đặt ấy, nên bấy giờ nằm sát với ngài Thiện Luật, thầy Hộ Giác. Tăng ni hỏi ý kiến gì thì tôi bàn với hai vị này mà chỉ bày.

Ở đây nói trước về tăng ni Phật tử trẻ đã. Suốt cuộc vận động 1963 của Phật giáo, không một ai bị bắt trước hay sau thiết quân luật mà để cho đối phương khinh thuờng. Tăng ni Phật tử lớn tuổi đã đành là như thế. Tăng ni Phật tử trẻ càng là như thế. Họ thật khôn ngoan, trung hậu, và rất anh hùng. Họ tin tưởng và bảo vệ lãnh đạo đến kỳ lạ. Chính những ngày ở Rạch Cát với họ mà tôi thấy rõ và tin tưởng họ hơn lên. Nội việc trên dưới 500 người ở chung mà tin tức về tôi không bị lộ ra, đã là cả một vấn đề. Sau CM 1/11, tin tức nghe được từ mọi phía, tại Sài Gòn cũng như tại các tỉnh, không ai mà không thán phục tăng ni Phật tử trẻ mà cang cường. Không ai gặp một tăng ni Phật tử trẻ nào bị tra tấn mà khuất phục, phản bội. Cũng không ai mà không công nhận rằng, trong tình trạng giới nghiêm, tăng ni Phật tử trẻ đã gây ra bao nhiêu là xúc động, cảm phục, tích cực hoạt động theo.

Lại tiếp tục câu chuyện. Ở trại Rạch Cát, sau một ngày bị bắt, thầy Nhật Thiện (vốn đồng sư và đồng châu với tôi) và thầy Hành Tuệ (sau chết trong chuồng cọp ở Côn đảo) bàn nhau cùng ở sát tôi, dời ở một nơi nhỏ hơn. Họ lo cho tôi hết sức hết lòng. Trong thì gian này họ bắt khai lý lịch, lăn tay, chụp ảnh; Đến lượt tôi, thầy Nhật Thiện kéo một tăng sĩ Nam tông nữa cùng đi với tôi. Đến bàn làm việc họ cùng ngước lên nhìn rồi cùng cúi xuống cả. Rõ ràng có cái gì đó. Nên lời khai thì tôi đọc, hình thì thầy Nhật Thiện chụp, dấu tay thì tăng sĩ kia lăn. Họ làm việc mà không hỏi hay nhìn kỹ đối phương là ai. Thầy Nhật Thiện nói phiếu lý lịch này không dùng được vào việc gì cả. Ni sư Huệ Nghiêm qua thăm, tôi dặn kỹ công việc khi được phóng thích. Rồi viết một bài gọi là Thiền của ngài Qui Sơn, bằng cách nhớ và dịch giải bài minh trong Văn Cảnh sách của ngài.

Thì gian này thầy Nhật Thiện và ni sư Huệ Nghiêm bàn riêng với nhau, sắp đặt cho tôi thoát ra. Họ liên lạc được với một cảnh sát vốn là công chức bị bắt mặc đồ cảnh sát vào gác ban đêm. Người này chịu, hẹn tối hôm đó mang thêm một bộ đồ cảnh sát vào cho tôi thay để sáng sớm hôm sau đèo xe người ấy chở ra. Nhưng gần trưa hôm sau đã được phóng thích. Việc phóng thích cũng ngồ ngộ.

Nguyên trước đó thầy Thiện Hoà vào thăm cả trại, có xuống thăm riêng tôi, nói hễ được phóng thích thì thầy đưa về Ấn Quang. Nhưng khi phóng thích thì cả thầy ấy và thầy Nhật Minh cho người xuống nói với tôi, rằng họ biết đích xác có tôi ở đây rồi. Xin thầy tự liệu. Tôi chẳng liệu gì cả. Cũng không phiền gì. Nguyên lãnh đạo Phật giáo có đem việc bị bắt ra bàn, rằng ai ở ngoài được thì nên ở. Nhưng chẳng ai chịu cả. Đến nay tôi cũng chẳng thiết gì lắm được phóng thích ra. Chúng tôi ý thức bị bắt, hơn nữa bị giết, thì rất có tác dụng. Nên bấy giờ tôi vẫn thản nhiên.

Nhưng một tăng sĩ Nam tông, người Huế, miệng nói tay đẩy, thúc tôi đi ra với nhóm chư tăng Pháp Quang. Khi điểm danh, đúng lúc thầy Hộ Giác bị bắt xuống xe tải thì tôi lên xe tải ấy, trước cái nhìn của ngài Thiện Luật. Ngài thản nhiên. Nhưng ai cũng biết ngài vừa thương vừa mừng. Chư ni đứng chờ, mừng lộ quá, thấy là biết liền, không hiểu tại sao chẳng xảy ra chuyện gì. Về Pháp Quang thì tôi đi tắm giặt, thầy Nhật Thiện xuống Xá Lợi, chạy về với ni sư Huệ Nghiêm, cùng báo tin họ biết tôi không ra với chư tăng Changransey thì với chư tăng Pháp Quang. Họ sắp đến đây. Quả nhiên, trời mưa như trút nước mà nhìn thấy họ đã bao vây bốn phía Pháp Quang, súng đã chĩa vào qua hàng rào.

Cùng lúc, bộ phận chỉ huy vào thưa với ngài Thiện Luật bảo chư tăng ra cho họ kiểm tra, "kẻo thiếu ai thì họ bị trách nhiệm". ngài giằng co, từ chối, hẹn sáng mai, nói hôm nay mới về, chư tăng có người thưa tôi đi ra ngoài không ít. Họ không chịu. Đúng lúc ấy, với ý nghĩ vừa phát sinh, tôi bảo thầy Nhật Thiện và thầy Nhâm đi với tôi, xuống thưa ngài Thiện Luật, ngay trước mặt họ rằng chúng con đã viết thư ngài bảo (mà thật ra tôi mới viết vội vàng). Xin ngài ký cho để chúng con đưa về Thầy Thiện Hòa. Thư có nội dung cám ơn việc được phóng thích mà chúng tôi qui công cho thầy ấy. Biết ý, ngài bảo đọc, rồi ký, lại nói trời sắp tối rồi, các thầy đi mau mà về. Đi bây giờ để tỏ lòng chân thành.

Chúng tôi vâng dạ rồi đội mưa mà đi. Thì trước sân chùa, gần ngoài ngõ, đã có hai chiếc taxi đậu ở đó, không bình thường. Xe sơn vành đỏ, có nghĩa tài xế có thể bắt về tổng nha công an. Nhưng tôi vẫn đi một trong hai chiếc xe ấy, bụng nghĩ mọi việc ở chính cái anh chàng tài xế công an này. Thật ra hai thầy vẫn nghĩ tôi đi Ấn Quang, nhưng biết rằng cần yên lặng để tôi liệu.

Xe ra đến đường lớn, tôi nói với hai thầy, kỳ hạn xuất gia của tôi quá hơn một tháng rồi. Chuyến này tôi sẽ xin sư cụ trở về, lập gia đình. Hiểu ý, hai thầy nói anh em tôi cũng vậy. Anh tài xế bèn lên tiếng, vậy ra các ông không muốn tu nữa? Tôi cắt nghĩa cái lệ xuất gia có kỳ hạn của Phật giáo Nam tông là thế nào : ai muốn tu một thì gian để kiếm phước và tập tánh tốt thôi, thì có thể xuất gia từ một tháng cho đến vài ba năm, tùy ý, sau đó về nhà như thường. Ở các xứ Miên, Lào còn được mến trọng hơn lên.

Tài xế hỏi, Các ông vừa rồi có bị bắt không?

Tôi nói bị bắt mới được thả ra trưa nay.

Tại sao bị bắt?

Tại đi biểu tình.

Ai bảo các ông đi biểu tình?

Thấy trên đi thì đi. Tôi nói thế,

Nghĩ vừa phải rồi nên bẻ qua chuyện khác. Rằng từ chùa về tới Ấn Quang mà chỉ được 20 đồng tiền xe. Mấy ngày nay tù túng quá, chúng tôi muốn ra bến tàu chơi một chút rồi đi Ấn Quang, anh giúp được không? Được, được.

Tôi biết chắc anh sẽ trả lời như vậy để có dịp dò xét hơn nữa. Tôi nghĩ, thế thì được quá đi rồi. Và biết hai thầy đã thừa hiểu ý tôi; Ra bến tàu, đến gần đường Hàm Nghi, tôi nói khi sáng đến giờ nặng đầu quá, anh làm ơn quẹo vào đây cho tôi tìm hiệu thuốc mua vài viên aspirine, được không? Anh lại nói được, được, và thêm, kể như làm phước giúp mấy ông vậy mà; Khi tìm ra hiệu thuốc thì tôi nói cả ba cùng đi bộ cho giản chân cẳng một chút. Vừa đi vào hiệu thuốc tôi vừa hỏi nhỏ thầy Nhật Thiện, biết tòa đại sứ Mỹ ở ngay trước cửa hiệu thuốc, lại biết luôn luôn mở cửa. Ra khỏi hiệu thuốc, tôi nói với tài xế, anh cứ lái xe theo chúng tôi ra bến tàu, chúng tôi đi bộ chút nữa; Nói rồi tôi đi luôn, không để tài xế phản ứng gì.

Tòa đại sứ Mỹ bấy giờ nằm trên đường Hàm Nghi, cùng phía với hiệu thuốc. Hiệu thuốc ở góc trên, tòa đại sứ ở góc dưới, của con đường nhỏ hơn, băng ngang đường Hàm Nghị Nhưng khi đi qua thấy cửa hơi khép. Tôi đi thẳng. Đi qua chiếc xe ca đang đậu ở đó, ngoái lại thì cửa mở rộng; Thế là chúng tôi bất ngờ quay lại, đi nhanh vào. Công an cảnh sát gác ngoài cửa ấy càng bất ngờ, không phản ứng kịp, chỉ nắm được tay thầy Nhâm nhưng thầy ấy giựt ra.

Anh lính Mỹ đứng sẵn nơi cửa, hai tay khoanh lại cho đúng thủ tục, nhưng xê ra cho chúng tôi vào phòng anh, nhỏ và gần sát lề đường. Anh đóng cửa lại liền, hỏi các ông là phe ông Trí Quang? Thầy Nhật Thiện chỉ tôi, nói thầy Trí Quang là vị này. Không hỏi gì nữa, anh kéo ba chiếc ghế mời chúng tôi ngồi, rồi gọi điện thoại. Một lát, người Mỹ đã gặp tôi ở Từ Đàm đến, nói gì đó mà tôi chắc là xác nhận về tôi. Thế là chúng tôi được đưa vào thang máy, lên một phòng có vẻ là nơi làm việc. Rồi ba người Mỹ nữa đến mà sau này tôi biết một trong ba người là ông cố vấn chính trị tòa đại sứ. Họ chỉ hỏi thăm bình thường; Rồi đem một chiếc radio, mở đài BBC cho tôi nghe. Thì ra đài này đang loan tin tôi đã vào tòa đại sứ Mỹ. Từ khi vào đây đến lúc nghe BBC chỉ non một tiếng đồng hồ.

Trong khi nghe BBC, có tiếng chiến xa chạy tiếp nhau quanh quần tòa đại sứ. Mấy người nói với tôi, chắc là quân đội đang bao vây. Họ trịnh trọng nói, nếu thầy có ý tỵ nạn thì thầy là người khách của chúng tôi. Tôi nói, "tôi vào đây là để, xin lỗi, coi người Mỹ giải quyết thế nào về sự việc mà, dầu sao, nguời Mỹ cũng có trách nhiệm liên đới. Tôi yêu cầu tị nạn chính trị một thời gian cần thiết mà thôi"; Họ xác nhận với tôi, trịnh trọng mời lên nghỉ tạm tại phòng họp của họ.

Về anh lính Mỹ gác cửa, sau này lên gác phòng chúng tôi, nói chuyện mới biết anh vốn là quân nhân Mỹ hồi thế chiến thứ 2, có lần đóng gần Bồ Đề Tràng ở Ấn Độ, tìm hiểu Phật giáo và qui y với một tăng sĩ Tàu có chùa ở đó. Anh kể hôm các thầy mới vào, cửa hơi khép nhưng tôi vẫn chú ý. Thấy ba áo vàng đi qua, tôi đoán biết nên mở lớn cửa ra. Thì có các thầy vào thật.

Quyết định tị nạn tại tòa đại sứ Mỹ tuy mới phát sinh trong lúc khẩn cấp, nhưng trước đó, gần ngày thiết quân luật, cụ Hiểu, hội trưởng Phật giáo Nguyên Thỉ, đã nói riêng với tôi, rằng ông đại sứ Thái lan quen cụ, nhắn lời nói tôi có thể vào tị nạn chỗ ông nếu tôi muốn. Tôi nói với cụ Hiểu xin gửi lời cám ơn, nhưng không có ý định tị nạn. Thầy Tâm Giác cũng nói tương tự, tôi cũng trả lời tương tự; Đến hôm sắp thiết quân luật; 7 giờ tối đã có một người Nhật mà thầy Tâm Giác nói là nhân viên tòa đại sứ Nhật, vẫn vào đợi quyết định của tôi. Thầy Tâm Giác và người ấy đợi gần 11 giờ khuya, hỏi tôi lần chót, ghi nhận lãnh đạo Phật giáo có ý thức không tị nạn, mới về. Họ về quãng nữa giờ thì Xá Lợi bị tấn công.

Khi ở tòa đại sứ Mỹ, họ mời tôi lên sân thượng hứng gió chiều tối. nhìn xuống thấy quần chúng bên kia đường Hàm Nghi có vẻ nhận ra tôi và vui mừng. Thế là không bao giờ tôi lên nữa. Tôi nói với người Mỹ, rằng không muốn một ai nghĩ tôi ỷ vào các ông nên không e ngại gì cả.