Một Thoáng Hương Xưa
Tưởng niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm !
 
Ôn đi trong cõi vô thường

Niết Bàn tịch tịnh mười phương gót hài

Chiều nay một thoáng mây bay

Khánh Anh thầm lặng tiễn Thầy cao đăng.

Núi rừng Phần Lan chạy dọc hai bên xa lộ xanh tươi, ấm áp. Thời tiết Phần Lan mùa này mát mẻ, dễ chịu. Thỉnh thoảng có những cơn mưa nhẹ, chỉ đủ ướt lá hoa và rửa sạch bụi đường. Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ 25 năm nay được tổ chức tại Turku, Phần Lan, một quốc gia xứ Bắc Âu.

Cũng như các năm trước, Hòa Thượng đã viết Thông tư, Thông báo số 1, số 2, số 3... kêu gọi học viên Phật tử tham gia tu học, đóng góp tịnh tài, cúng dường bao gạo... cũng như các phương tiện cần đủ. Tuy nhiên, năm nay có phần hơi khó khăn, vì đường về Khóa Tu - Phần Lan - hơi xa, phương tiện đưa đón không mấy thuận tiện, có đôi chút không dễ dàng. Hòa Thượng gọi điện thoại nói chuyện nhiều lần với chư Tăng ở Hoa Kỳ, quý Thầy cố gắng qua yểm trợ. Nghe giọng nói Ngài vẫn khỏe, vẫn tươi cười và lắm khi còn pha trò cho vui nữa. Cho đến khi gặp Hòa Thượng nơi Khóa Tu tại Turku, Phần Lan. Mặc dù Hòa Thượng hơi gầy đi, nhưng vẫn có đủ phong độ của bậc Tôn túc. Người lãnh đạo không bao giờ biết mỏi mệt.

Hai mươi lăm năm xả thân cho Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu. Hơn 40 năm lãnh đạo Giáo Hội. Suốt một đời hoằng pháp từ Việt Nam, tới Nhật Bổn rồi cả một trời Tây, các châu lục Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại... mặc dù đời sống vật chất ăn uống kham khổ, nhưng tinh thần thì dường như có một mãnh lực nào đó nung nấu như hạnh nguyện của bậc xuất trần thượng sỹ.

Hòa Thượng luôn là người tiên phuông trước lằn tên mũi đạn để hứng chịu mọi xung kích, thế lực của cuộc đời. Đây là hình ảnh như lời dạy của đức Phật ở trong Kinh Pháp Cú :

"Ta phải có thái độ như đàn voi lâm trận, mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác. Bình tĩnh hứng lấy những nỗi nhọc nhằn, chua cay của cuộc đời và thản nhiên vững bước trên đường phẩm hạnh."

Hòa Thượng là vậy đó.

Dưới vòm trời Âu, một thân mang giáp nhẫn nhục, đơn đao đột nhập vào một quê hương mà quê hương đó được mệnh danh là kinh đô ánh sáng. Nền văn minh Triết học, tư tưởng của thời đại, của thi hào, thi bá phương Tây. Dù đất lạ, quê người Hòa Thượng đã hóa thân vào quê người. Dù ngôn ngữ dị biệt, văn hóa dị biệt, tập quán dị biệt, Hòa Thượng vo tròn vào nền văn hóa giác ngộ của đạo Phật, để đẩy bánh xe Pháp vào xứ người, ăn sâu mọc rễ trên mảnh đất mới.

Trên bản nguyện độ sinh, Hòa Thượng đã phương tiện, thiện xảo mọi mặt, làm sao cho Phật pháp được thấm nhuần vào lòng người, là hương giải thoát làm tươi thắm mọi tâm hồn của người Việt tị nạn nơi đây. Từ những buổi lễ cầu an, cầu siêu, Vu Lan, Phật Đản... Hòa thượng luôn giảng dạy bổn phận, trách nhiệm của người Phật tử Việt Nam, gìn giữ đạo Phật Việt Nam, để nhớ ơn đền ơn chư vị Lịch Đại Tổ Sư hơn hai ngàn năm qua. Một dòng lịch sử mang tính thời gian có đủ để khẳng định tuổi thọ của mình đối với dân tộc Việt Nam.

Hòa Thượng thâu nhận đệ tử xuất gia, tại gia làm kế nghiệp, truyền thừa công hạnh cho nhiều đời sau. Do vậy, trong những Khóa Tu Học Phật pháp Âu Châu, không những mở ra cho thế hệ lớn tuổi mà còn chú tâm đến thế hệ kế thừa - thanh thiếu niên - cho đoàn viên tổ chức Gia Đình Phật Tử. Ấy là hạnh nguyện Phổ Hiền, mang hành trạng vào đời hóa độ. Về mặt tinh thần, 25 Khóa Học Phật Pháp Âu Châu, một phần tư thế kỷ, đủ để thấy sức trì chí, lòng dũng mãnh, chịu đựng không mệt mỏi. Về mặt vật chất cơ ngơi, sự nghiệp, Hòa Thượng khởi sự công trình xây dựng ngôi chùa Khánh Anh mới tại Evry lên đến hàng chục triệu Euro. Nhưng nếu có dịp ghé thăm chùa Khánh Anh cũ sẽ thấy những người đệ tử của Hòa Thượng ở nơi đây bận rộn luôn tay, người bắt bánh bao, người chiên chả giò, người kho đậu hũ... bán thức ăn chay để có tịnh tài cất chùa. Dành dụm từ năm này qua năm khác, tất cả đều cho ngôi Tam Bảo Khánh Anh được thành tựu viên mãn. Nhưng, hôm nay ngôi chùa chưa hoàn tất, dự kiến của Hòa Thượng là năm 2014, 2015 mới tổ chức lễ khánh thành. Quả thật, sức người có hạn, "lực bất tòng tâm" mà Phật sự thì vô cùng.

Là người Thuyền trưởng nhiều kinh nghiệm giữa biển cả sóng gió muôn trùng, giữ con thuyền được cập bến bình an. Là người lãnh đạo Giáo Hội bền gan, vững chí, Hòa Thượng đã vững tâm bước qua bao gian nan thử thách của cuộc đời để Giáo Hội được vững vàng. Để chư Tôn Đức trong Hội Đồng Điều Hành có đủ niềm tin mà chu toàn Phật sự, trên thuận, dưới hòa, chung lưng đấu cật để cùng nhau chu toàn trách nhiệm của mình. Nhờ vậy mà quý Thầy thương Hòa Thượng nhiều vô kể, thương sức già không quản ngại lao lung, thương tấm lòng hy sinh không tính toán, so đo. Thương việc chung mà không hề có ý riêng tư, nhơn ngã. Một người Cha già quý kính. Một bậc lãnh đạo tài ba mến mộ. Một bậc Thạch trụ Thiền gia mẫu mực. Một Tượng Vương giữa chốn rừng Thiền. Một vị Tăng khả kính trong bậc chúng Trung Tôn... Một con người giữa xã hội người vượt trội. Để từ đó, Hòa Thượng được chư Tôn Đức Tăng Ni hải ngoại cung thỉnh lên ngôi vị : Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại. Một ngôi vị mà trong Tam Tự Quy Y : Quy y Tăng thống lý đại chúng, hết thảy không ngại. Ai là người có khả năng thống lý Đại chúng ? Chỉ có bậc Thật Đức. Lòng luôn rỗng không. Không bên trọng. Không bên khinh. Bình Đẳng. Hóa thân vào người để hiểu người. Là vị Trưởng Môn Phái Liễu Quán, quy tụ huynh đệ lại với nhau. Trong không khí ngày Giỗ Tổ, Hòa Thượng là chất keo hội tụ... là hình ảnh của người Cha, của đàn anh khả kính. Đối với Hòa Thượng còn nhiều ngôi vị vô ngôn. Không lời diễn đạt. Vì hạnh nguyện nhập thế độ đời của Hòa Thượng không thể dùng ngôn ngữ thế gian mà diễn tả. Dùng ý nghĩ để tư duy, tất cả đều đối đãi. Chỉ có mặc nhiên như thị hạnh nguyện hóa độ của Ngài. Do vậy, hôm nay, Hòa Thượng có ra đi hay ở lại với tứ chúng thì cũng chỉ là nhất niệm sai thù. Riêng Pháp thân của Hòa Thượng thì như nhiên, bất động. Tuy nhiên, giữa chốn trần lao, lòng người mộng tưởng. Tưởng cái Tưởng của Mộng. Mộng cái Mộng giữa cảnh trần gian, nên gió nghiệp lao xao, chao động muôn trùng.

Thôi thì tùy thuận chúng sinh mà Hòa Thượng vui lòng nghe đôi dòng thi kệ :

Paris buồn ! nơi đâu buồn hơn nữa?

Khánh Anh chờ ! buông thõng cánh tay mong

Hóa thân một kiếp phù trầm

Ngàn năm dâu bể, trăng trong (1) giữa trời.

Hòa Thượng nhẹ gót ra đi khi mà công viên quả mãn. Nhưng, những người còn lại phải tính sao đây ? Nhiều Phật sự ở trời Âu ai là người thay thế ? Khánh Anh Tam Bảo ai là người trông coi ? Ngó trước trông sau trống vắng. Mịt mờ trời thảm đất sầu, cho cuộc thế vô thường, thiên lưu, thiên biến.

Kính lạy Giác Linh Hòa Thượng chứng tri.

San Diego, chùa Phật Đà, 16/08/2013

Kính Bái,

Nguyên Siêu

(1) Vầng trăng của Bản Môn./.

 

Tưởng niệm Bậc Đại sĩ Pháp Phái Liễu Quán

Kính Bạch Giác Linh Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, cây cổ thụ của Pháp Phái Liễu Quán.

Cách đây đúng một năm tròn, chính nơi tôn trí di ảnh của Hòa Thượng trong Lễ Tưởng Niệm này, chúng con Tăng chúng và đạo tràng tu học tại Chùa Liễu Quán được vui mừng đón tiếp Hòa Thượng viếng thăm sau hơn 20 năm gặp lại. Chúng con được đảnh lễ Hòa thượng bằng da bằng thịt.

Hôm nay cũng chính tại nơi này, chúng con chỉ được đảnh lễ di ảnh của Hòa Thượng, bằng pháp thân bất diệt của Hòa Thượng. Làm sao chúng con khỏi ngậm ngùi tiếc thương một bậc Thầy khả kính, một cây cổ thụ của pháp phái Liễu Quán đã bật gốc !

Trước khói hương trầm quyện tỏa trong buổi tưởng niệm này, xin Hòa Thượng cho phép con được gọi Hòa thượng bằng Ôn, để cho con được gần Ôn, cho dù chỉ được gần trước bức di ảnh.

Kính bạch Giác Linh Ôn, Ngài là một vị suốt đời tận tụy cho đạo pháp - Quê Hương - Dân Tộc mà biết bao giấy mực viết về Ôn. Nhưng một điều ít ai nhắc đến : Ôn là ân nhân của bao lớp người từng tỵ nạn trong các trại cấm tại Hồng Kông vào những năm 1988 - 1997. Vì vận nước nổi trôi, mà con là một trong những thuyền nhân tỵ nạn trong thời gian đó. Con vẫn còn nhớ như in hình ảnh của một tu sĩ Phật giáo với chiếc áo nâu sòng đang bước vào trong những song sắt của những lớp hàng rào kẻm gai dày đặc. Đối với con, Ôn là một bậc Đại Sĩ xoa dịu nỗi khổ của chúng sinh.

Ôn đã hóa thân như Đại Sĩ Địa Tạng chống tích trượng, vượt bao hàng rào kẻm gai để đi vào trong các trại tỵ nạn, nơi mà những đồng bào của Ôn đang sống trong cảnh khổ đau và tuyệt vọng để an ủi, khích lệ và giữ vững niềm tin đạo cho đồng bào. Những cuốn kinh cuốn sách, những băng giảng, băng tụng Kinh, những lời động viên qua các chuyến thăm nuôi trong trại tỵ nạn (Detention Center) là niềm an ủi lớn cho hàng Tu sĩ trẻ chúng con khi phải rời xa Thầy tổ trên đất khách quê người. Ôn đã bôn ba đây đó để đưa thỉnh nguyện thư từ Cao ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) Quốc Hội Âu Châu để cho những người dân của Ôn được thở bầu không khí tự do.

Riêng với Chùa Liễu Quán chúng con, vào những ngày của tháng 8 năm 2012, Ôn đã ưu ái lưu lại và thuyết pháp cho hàng Phật tử. Con có được cơ hội để hầu Ôn trong những ngày ngắn ngủi đó. Ôn nói sắp xếp cho Ôn đi thăm càng nhiều càng tốt. Con đưa Ôn đi thăm Ôn Tịnh Từ, Ôn Minh Đạt... và quý Ôn trong vùng.

Suốt chặn đường hơn 20 năm xa cách, con được gặp lại Ôn. Ôn kể lại những kỷ niệm khó khăn khi phải nhờ bà Lương Huệ Lan người Hồng Kong đưa Ôn vào trại, nói về chuyển Kinh sách vào trại tỵ nạn qua cô Nguyễn Thị Liệp Tuyết (bây giờ là sư cô Viên Diệu), câu chuyện chưa xong, con hy vọng còn gặp lại Ôn, để hầu chuyện với Ôn, để thăm công trình Chùa Khánh Anh mà Ôn đã bỏ bao nhiêu tâm huyết vào đó. Ôn ơi, có phải linh tính thăm pháp lữ, thăm đồng đạo để rồi Ôn ra đi !

Nghe Ôn đi

con lặng người

để niềm cảm xúc

đổ nhòe vầng mi.

Pháp âm của Ôn vẫn còn đó, hình bóng Ôn vẫn còn đây. Sự ra đi đột ngột của Ôn, Phật giáo Việt Nam Hải ngoại mất đi bậc xuất trần Đại Sĩ đầy nhiệt thành với lý tưởng phụng sự Đạo Pháp và Quê Hương.

Riêng con, mất đi một bậc Thầy bi mẫn, dễ gần, mà dũng khí như Địa Tạng Vương. Con xin nguyện giữ hình ảnh của bậc Đại sĩ trong tâm thức.

Cầu nguyện Giác linh Ôn được Cao Đăng Phật Quốc.

Thích Pháp Chơn