Hạnh Duyên Hội Ngộ
Thành kính đảnh lễ Giác Linh Cố Trưởng Lão Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm !
 
Trong cuộc sống, nếu như chúng ta có hạnh duyên gặp được những bậc vĩ nhân, cho dù đó chỉ là những giây phút hội ngộ ngắn ngủi, chúng ta sẽ có những kỷ niệm, ấn tượng trọn đời để chiêm nghiệm, hướng về và có thể làm thay đổi cuộc sống chúng ta, chuyển sang những giai đoạn mới, tầng mức mới cao hơn, vững chãi hơn, thăng hoa hơn... Tôi đã từng gặp, tiếp xúc, thân cận với những vĩ nhân có tầm ảnh hưởng vô cùng lớn lao và Cố Hòa Thượng (HT) Thích Minh Tâm là một trong những cao nhân như thế.

Tôi nghe kể về Hòa Thượng từ năm 2005 khi quan tâm về sinh hoạt Phật Giáo các châu lục và châu Âu. Nhưng tôi thực sự quan tâm, ấn tượng đến hành hoạt của Hòa Thượng kể từ mùa hè 2007 khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) khắp các châu lục gặp nội chướng và sóng gió, đòi hỏi những hàng trụ cột phải có bản lĩnh, khả năng, tâm Đạo và đồng tâm nhất trí,... Giữa bao phong ba thử thách ấy, Hòa Thượng như là chất keo để nối kết các nhân tố khác, định hướng trong một giai đoạn chuyển biến lịch sử, khẳng định sự tồn tại, thế đứng, vươn mình của GHPGVNTN khắp nơi trong giai đoạn mới thông qua Hội Về Nguồn tại Chùa Pháp Vân, Toronto, Canada năm 21-23/9/2007, Đại Hội thành lập GHPGVNTN các châu sau các biến cố đó và Hòa Thượng là Chánh Văn Phòng đầu tiên của Văn Phòng Điều Hợp cho 4 Giáo Hội là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Canada. Hơn nửa thế kỷ kể từ ngày ngày cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang nhận Người làm đệ tử và ban cho pháp danh Nguyên Cảnh tự Viên Dung hiệu Minh Tâm, thời điểm đó (2007) đúng là lúc Ngài thể hiện mình là truyền nhân xứng đáng của Đức Đệ Tứ Tăng Thống, đứng ra tổ chức xây dựng GHPGVNTN trong tình thế mới. Đức Đệ Tứ Tăng Thống đã chọn đúng người để đầu tư tâm huyết huấn luyện, gửi đi học Nhật Bản rồi phái đi sinh hoạt Phật sự tại Pháp để rồi trưởng thành và trở thành hình ảnh lãnh đạo của GHPGVNTN liên châu, cho dù những năm cuối đời Đức Đệ Tứ Tăng Thống không còn đủ sức khỏe để quan tâm, nhận biết những bước đi lịch sử của người đệ tử mình.

Suốt cuộc đời Ngài là một sứ giả Như Lai, miệt mài hoằng truyền Chánh Pháp. Mới Hăm Hai tuổi Ngài đang còn là Sa Di đã đăng tòa thuyết pháp, làm Giảng sư tại tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Phú Yên, giảng dạy tại Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bồ Đề Tuy Hòa. Hai Lăm tuổi đã đi làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều. Sau đó, Ngài trải qua sáu năm du học Nhật Bản, vừa làm Chi Hội Trưởng Chi Bộ Phật Giáo Việt Nam tại Nhật Bản, vừa đi học, vừa đi làm, cuộc sống đơn sơ, chỉ ăn mì Nhựt là chính. Về mặt sinh học mà nói cách ăn uống và làm việc quá sức như vậy, về lâu về dài, có tác hại đến sức khỏe thế nhưng Ngài quên mình, chỉ biết quan tâm đến công việc và nhu cầu Phật sự, đáp ứng cho kịp thời. Đặc biệt là đến tuổi Ba Mươi Ba (33), sau khi xong Cao Học Triết Học Phật Giáo tại Nhật Bản, Ngài đến Pháp hành Đạo và dấu chân hoằng Pháp của Người in khắp nơi nơi để thành lập Đạo Tràng, xây dựng cơ sở, mang ánh sáng Phật Pháp đến với mọi người, hạnh nguyện : "kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma, thiệu long Tam Bảo".

Tôi gặp Người lần đầu tiên vào năm 2012 khi Người quang lâm viếng thăm trường Hạ Bát Nhã Santa Ana do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức, 19-30/6/2012, PL 2555. Người đã được mời phát biểu trong giờ Trai Đường gần cuối Khóa An Cư. Tôi lặng lẽ quan sát Người : đó là một tu sỹ vóc dáng khá cao, có phần khắc khổ, rất chừng mực, khiêm tốn, tôn kính Tăng già, chánh niệm, chế ngự, làm chủ lời nói, việc làm của mình. Người tùy hỷ tán thán Tăng già có thể sắp xếp về lại với nhau, tham dự an cư tu học để tăng trưởng giới đức theo truyền thống Tăng Đoàn. cuối cùng Ngài mời mọi người đến tham dự Ngày Về Nguồn tổ chức Úc Châu vào 11/2012.

Lần thứ hai tôi gặp Người là vào Đại Hội Khoáng Đại lần thứ II, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ tổ chức tại Chùa Cổ Lâm Seatle, 10-12/08/2012. Ngoài việc thọ giáo những lời chúc mừng và khuyến tấn của Hòa Thượng đến Đại Hội, chúng tôi còn có một ngày dạo chơi hữu tình, lý thú nơi hồ nước, rừng thiên nhiên dã ngoại tại Seatle. Trong chuyến đi ấy có Hòa Thượng cùng với Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Nguyên An, Thượng Tọa Đồng Trí, Ni Trưởng Như Nguyện cùng nhiều người khác. Hòa Thượng Bảo Lạc thì thường ngâm thơ, kể chuyện vui trên đoạn đường đi, chỉ có mình tôi bên cạnh và song song với Người, tôi hỏi :

- Hòa Thượng nghĩ thế nào về triển vọng của GHPGVNTN các châu lục trong nhiệm kỳ II này ?

- Giáo Hội các châu đã trải qua nhiệm kỳ I với nhiều thử thách ma chướng nhưng với nhẫn nại, đạo tâm và hiệp lực của các thành viên nên có những kết quả khả quan. Nhiệm kỳ này các Giáo Hội có kinh nghiệm, tự tin hơn và có nhiều Tăng Ni Phật tử ủng hộ hơn nên chắc chắn sẽ có nhiều sinh hoạt và kết quả tốt đẹp hơn nữa - Ngài trả lời.

- Theo Hòa Thượng, GHPGVNTN Hoa Kỳ có gì đặc biệt khi so sánh với GHPGVNTN Châu Âu hoặc các châu lục khác ?

- Hoa Kỳ là Hợp Chủng Quốc - tổng hợp những tinh hoa khắp nhân loại. Số lượng người Việt định cư nơi đây đông, số lượng Tăng Ni đến đây ngày càng nhiều. Tiềm năng của PGVNTNHK rất lớn. Dấu hiệu khả quan là ngay trong nhiệm kỳ II qua Đại Hội này, nhiều Tăng Ni trẻ đã tham gia vào sinh hoạt trong Giáo Hội.

- Chùa Khánh Anh của Hòa Thượng đến khi nào thì khánh thành ? Những gì là mối quan tâm lớn nhất của Hòa Thượng hiện nay ?

- Tâm nguyện muốn tạo ra Già lam đủ phương tiện cho Tăng Ni Phật tử tu tập và các sinh hoạt Giáo Hội nhưng khi nào xong thì tùy duyên. Mối quan tâm lớn nhất là Tăng Ni Phật Tử tinh cần tu học, xây dựng cơ sở đạo tràng ổn định và cùng lo việc Giáo Hội, làm sao để có lớp kế thừa và lớp trẻ cũng hấp thu chánh pháp được. Tốt hơn nữa là có thể phục vụ cho người bản xứ, người nước ngoài.

Câu chuyện dừng lại ngang đó vì đi hết khúc đường và cả nhóm cùng gặp lại sinh hoạt chung, nhưng với tôi, Hòa Thượng đã trả lời 3 câu hỏi như vậy cũng đã là nhiều hơn lòng mong đợi.

Lần thứ ba tôi gặp Hòa Thượng nhân dịp Lễ Huý Kỵ 10 năm Cố Hòa Thượng Viện Chủ khai sơn Phật Học Viện Quốc Tế (PHVQT), North Hills, Cali và Lễ Đại Tường Cố Hòa Thượng Chủ Tịch Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ (GHPGVNTNHK) chủ nhật 24/3/2013 và buổi chiều hôm ấy cũng là buổi họp của GHPGVNTNHK. Lúc đó cuộc họp có một đoạn gay go khi bàn đến việc làm sao những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam đưa vào cho nhẹ nhàng thích hợp không mất đi không khí thiêng liêng, lễ hội truyền thống thuần túy Phật đản. Ngài lên tiếng thật đúng lúc, thích hợp : "Tại sao mình nghĩ là mình dọn cơm cho họ ăn ? Tại sao mình không nghĩ là hai bên cùng chung gạo nấu và cùng ăn ? Phật Đản là rất quan trọng đối với chúng ta, nhưng những việc liên quan đến cộng đồng, đất nước, quê hương cũng không kém phần quan trọng. Việc này thêm nhân duyên cũng tốt cho chúng ta thôi - Xin Quý vị hãy cùng nhau cân nhắc lại..." Câu nói tưởng chừng như đơn giản nhưng đặt trong bối cảnh ấy không đơn giản một chút nào cả. Đòi hỏi một người có trí tuệ, có tầm nhìn xa và kinh nghiệm để lên chương trình Phật Đản sao cho không bị thế tục hóa cũng không bỏ qua những sự việc tính chất liên kết Đạo và Đời, Từ Bi cứu khổ độ sanh. Chính uy lực của Người ấy và câu nói ấy khiến cho mọi người ngồi lại với nhau, bình tĩnh tìm giải pháp, cuối cùng đã thống nhất cho phương hướng tổ chức Phật đản, tạo tiền đề cho thành tựu Đại Lễ Phật Đản của GHPGVNTNHK PL 2557.

Lần thứ tư gặp Ngài là trong không khí hân hoan của Đại Lễ Phật Đản tổ chức tại Mile Square Park thành phố Fountain Valley Nam California vào 2 ngày 11-12/5/2013. Người phát biểu cảm tưởng tán thán GHPGVNTNHK trong việc tổ chức Đại Lễ, nói về Ý Nghĩa Phật Đản và đặc biệt nhắc nhở mọi người theo gương sáng Bồ Tát Quảng Đức cho Chánh Pháp trường tồn.

Trong năm nay, có 2 Phật sự quan trọng của GHPGVNTNHK chờ Hòa Thượng đến tham dự nhưng Người sẽ không bao giờ đến tham dự với vóc dáng hình hài ấy nữa. Duyên đã mãn, Người đã xả bỏ báo thân vào tịch tịnh vào 08/08/2013 - sau khi Khóa Tu Học Châu Âu lần thứ 25 thành tựu viên mãn. Người học Phật đều biết có hợp rồi có tan, có đến rồi có đi, có sanh ắt có diệt, lẽ duyên sanh huyễn hóa sắc không, không sắc thế nhưng sự ra đi của Hòa Thượng gây bàng hoàng, xúc cảm, thương tiếc,... vì nhiều lẽ : tiễn biệt bậc Ân Sư mà họ thọ ân giáo dưỡng từ Việt Nam cho đến Nhật, Pháp, Châu Âu hoặc các châu lục, khá đột ngột vì mới gặp Ngài mấy ngày trước đó. hình bóng một tu sỹ khiêm cung nhu hòa hiếm có vì chưa nghe Ngài nói nặng lời hoặc làm phiền lòng ai, vị cao Tăng vô ngã vị tha kêu gọi xây dựng chùa chiền khắp nơi trước chứ không phải tập trung sức lực kêu gọi để bồi đắp cho "ngôi chùa mình" trước, hơn nữa Người lo cho Phật tử phải gặp khó khăn trong đóng góp nên không chủ trương kêu gọi mà tùy duyên, ai cảm thấy góp phần được bao nhiêu thì tự động phát tâm góp vào, một tấm gương "dốc lòng vì Đạo hy sinh", đâu cần thì Ngài có, đâu khó thì có Ngài, không quản đường xa, không ngại tuổi già, không nệ hà khó nhọc. một phần vì thế mà bệnh Người càng lúc càng nặng mà mọi người chưa kịp phụng dưỡng, nuôi bệnh cho Ngài. Mới 22 tuổi đã đi giảng dạy và hơn 40 năm miệt mài hoằng Pháp hải ngoại không một ngày nghỉ ngơi, làm sao có thể kể xiết hành trạng của Người. Phải có năng lực và uy tín như thế nào Người mới được cung thỉnh vào các vai trò : Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu kiêm Viện Chủ chùa Khánh Anh Pháp Quốc, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Phẩm Tối Cao Phật Giáo tại Pháp, Phó Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (WBSC); Hội Đồng Tăng Già và chính quyền Tích Lan phát phần thưởng danh dự cao qúy của Quốc Gia cho những người có công mang Phật Pháp đến các xứ Âu Mỹ,...

Người là đệ tử lớn của Đức Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, theo lẽ Người là Đại Sư Huynh của tôi, cùng với các vị Thích Minh Hạnh, Minh Tuấn, Minh Dung, nhưng tôi chưa bao giờ đề cập với Người về việc này, tôi đối với Người trước sau chỉ là hàng hậu học đối với bậc Tôn Đức. Có một điều khiến tôi hơi ngạc nhiên là sau khi Người vừa viên tịch, lúc trà đàm, Thầy Hạnh Đức nói với tôi : "Thầy có thường gặp Hòa Thượng không, tôi thấy Hòa Thượng thường quan tâm đến Thầy, khi tôi hầu chuyện với Hòa Thượng tại Châu Âu, Hòa Thượng hỏi tôi có phải học chung với Thầy hay không ?". Vậy là Hòa Thượng vẫn âm thầm dõi bước đi của hàng Sư Đệ nhưng chưa bao giờ thổ lộ cho tôi biết khi gặp mặt tại Hoa Kỳ.

Vào ngày 10/8/2013 GHPGVNTN HK đã tổ chức Lễ Truy Điệu và Tưởng Niệm Giác Linh Người trong Khóa Tu Học Bắc Mỹ lần thứ III tại San Diego tôi cùng với TT Thích Minh Dung, ĐĐ Thích Quảng Định và một số vị khác. Tôi rất muốn được một lần, dù chỉ một lần thôi, rót trà dâng cho Người nhưng vẫn chưa có dịp, cũng như biết bao hàng đệ tử Người muốn có cơ hội phụng dưỡng Người khi già yếu nhưng suốt đời Người tận tụy sinh hoạt như tằm nhả tơ, như ong mang hương thơm mật ngọt cho đời. Nhất cử nhất động của Ngài đều để lại những bài học quý giá nhưng có ba bài học lớn rút ra từ cuối cuộc đời Ngài cho chúng ta chiêm nghiệm : 1/ Cuộc thế mong manh vô thường, sớm còn tối mất, hãy sống một cách tốt đẹp nhất như chỉ còn sống được ngày hôm nay, 2/ Hãy biết điều dưỡng, sám hối, tích tụ công năng tu tập sao cho không kéo dài già bệnh khổ khiến người xung quanh cũng chịu cộng nghiệp và phiền lụy, 3/ Hãy sống làm sao cho đến khi chết đi vẫn còn nhiều người kính tưởng, nhớ thương. Riêng một việc Ngài không an dưỡng và ra đi tại Chùa Khánh Anh mà ra đi nơi xứ khách Phần Lan trên bước đường Phật sự cũng đủ khiến cho bao người kính phục, cảm động.

Ngài thật là bình dân, giản dị cả cuộc đời chỉ biết dấn thân, phụng sự, cống hiến nhưng lại không muốn ai phải bận tâm, nhọc công với mình. Nay chỉ còn biết dâng trà hiến cúng trong các tuần thất, mong Giác Linh Ngài cảm thông chứng giám. Người như những chòm mây trắng thong dong, mang đến sự mát mẻ bình yên những nơi Người đến, dấu chân Người qua nở thành hoa thắm sắc, Người mang ánh sáng và niềm tin đến với mọi người, làm vơi đi nỗi khổ niềm đau cho đời, hàn gắn lại những gì đổ vỡ, cho Pháp luân thường chuyển ngộ tâm khai. Nay Người đã ra đi, Giáo Hội mất đi một bậc lãnh đạo tài ba, Tăng Ni mất đi một bậc Thầy mô phạm chói ngời thân khẩu ý giáo, phật tử khắp các châu lục mất đi một bậc Tôn Sư khả kính, quê hương Việt Nam mất đi một người con ưu tú, luôn xây đắp phấn đấu cho quyền tự do, dân chủ, hưng vượng, hạnh phúc. Tăng Ni và Phật tử đang bay đến, đang hướng về Liên Tòa của Ngài tại Chùa Khánh Anh, Pháp Quốc. Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, Người đi dấu vết chưa nhòa, "thác là thể phách, còn là tinh anh", pháp âm của Ngài còn mãi vang vọng, hình ảnh của Ngài còn mãi đọng trong tâm thức của mọi Người. Lễ Trà Tỳ nhục thân Người sẽ diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy, Quý Tỵ, mùa Vu Lan Báo Hiếu PL. 2557, hàng hậu bối và Phật tử kính ngưỡng Ngài như người Thầy, người Cha trong niềm niệm tưởng Tứ Trọng Ân. Công viên quả mãn, báo thân Người trở về với cát bụi nhưng Pháp Thân Người mãi lồng lộng giữa hư không.

Thật là bùi ngùi và hụt hẫng khi phải nghĩ đến : rồi đây sẽ không còn gặp lại hình bóng thân thương, nghe được những lời dạy vàng ngọc của Người nữa thế nhưng trần gian là quán trọ, trong cuộc thế hữu vi huyễn hóa này, chúng ta còn phải mong đợi gì ở Ngài hơn nữa. Ngài đã thể hiện trọn vẹn vai trò 75 năm thị hiện của mình, chúng ta, những người có Tình Pháp Duyên Tăng với Ngài, khắc ghi những lời Ngài dạy, tiếp bước Ngài đã đi, hoàn thành những công trình mà Ngài khởi xướng để không cô phụ với ân tình của Ngài.

Xin đảnh lễ tri ân cơ duyên hạnh ngộ với Người, 4 lần hội ngộ với Người tuy không nhiều nhưng vừa đủ, trở thành chất liệu, hành trang tâm linh, Người vẫn còn hiển hiện lung linh và đồng hành với tôi cho trọn kiếp nhân sinh này.

Nam Mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tông Liễu Quán Pháp Phái Tứ Thập Tứ Thế, Khai sơn Khánh Anh Tự, húy thượng Nguyên hạ Cảnh, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm Hòa Thượng Giác Linh Thùy Từ Chứng Giám

Khể Thủ

Cali, Chùa Đại Bi Quan Âm, Mùa Vu Lan Báo Hiếu, PL 2557

Hậu Học : Thích Minh Tuệ

Tâm Hạnh Viên Dung
Thành kính đảnh lễ Giác Linh Cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm !

Nhang tàn còn vướng đọng Tâm Kinh
Chòm nến lu mở trước án Linh
Thổn thức ai hoài, lòng niệm tưởng
Người đi để lại biết bao tình...
Người sớm được duyên phước xuất gia
Hấp thụ Phật chất của mẹ cha
Nhờ duyên tu tập từ bao kiếp
Chí hướng xuất trần thật thiết tha.
Khép mình sinh hoạt với Tăng Thân
Hun đúc tài bồi chốn Già Lam
Huyền Quang Pháp Sư làm Y Chỉ
Xét Hạnh ban cho hiệu Minh Tâm.
Ngài sớm vào đời độ trần ai
Giảng dạy Phú Yên tuổi Hăm Hai
Nguyên Thiều Bình Định làm Hiệu Trưởng
Lúc tuổi Hăm Lăm, quả Tăng Tài.
Sáu năm du học xứ Phù Tang
Chi Hội Phật Giáo làm Trưởng Ban
Tuổi đến Ba Ba xong Cao Học
Hành trình hoằng Pháp giở sang trang.
Vâng lời Thầy dạy đến Tây Dương
Từ đây Ngài chịu cảnh ly hương
Phật Giáo Việt Nam nơi Hải Ngoại
Lèo lái con thuyền, chỗ dựa nương.
Người đến khắp nơi lập đạo tràng
Để cho Chánh Pháp được ngân vang
Dựng xây cơ sở cho bền vững
Nhân loại sống trong ánh Từ Quang.
Trải bao sóng gió thật hiểm nghèo
Con thuyền Giáo Hội lắm gieo neo
Chông chênh ghềnh thác gần như vỡ
Ngài vẫn đảm đương vững tay chèo.
Đại Hội các châu, đến chứng minh
Tổ chức Khóa Tu thật tận tình
Dự Hội Về Nguồn, noi gương Tổ
Nhân quyền, dân chủ vị nhân sinh.
Xử thế độ nhân thắm đượm tình
Một lời Pháp nhũ, vạn lời Kinh
Nhu hòa, nhẫn nhục, tùy phương tiện
Ảnh hưởng vô vàn lớp hậu sinh.
Giản dị đơn sơ, rất thanh cao
Chẳng quản đường xa, nệ gian lao
Sanh chúng cần cầu, Ngài ứng hiện
Năm tháng dần dà, sức suy hao...
Kết thúc Khóa Tu tại Phần Lan
Khóa thứ Hăm Lăm đã vẹn toàn
Ngày Hai tháng Bảy năm Quý Tỵ
Ngài xả báo thân, chúng bàng hoàng.
Bảy Lăm năm dạo cõi Ta Bà
Sáu Bốn Tăng Lạp, hạnh xuất gia
Vun đắp Đạo Đời - Chân Thiện Mỹ
Tứ chúng kính thương dạ thiết tha.
Pháp Hữu bâng khuâng nỗi cảm hoài
Phật tử gần xa lệ ngắn dài
Con thuyền Giáo Hội ai thay lái ?
Sao Người sớm vội bỏ trần ai ?
Tâm hương đảnh lễ tiễn Giác Linh
Pháp nhũ thấm sâu nặng ân tình
Chín phẩm sen vàng lên giải thoát
Nguyện Người tái hiện độ quần sinh.

Nam Mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tông Liễu Quán Pháp Phái Tứ Thập Tứ Thế, Khai sơn Khánh Anh Tự, húy thượng Nguyên hạ Cảnh, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm Hòa Thượng Giác Linh Thùy Từ Chứng Giám.

Khể Thủ,

Cali, Chùa Đại Bi Quan Âm, Lễ Sơ Thất.

Hậu Học : Thích Minh Tuệ

Chiếc Mũ Len
(thành kính tưởng niệm, dâng lên Hòa Thượng Thích Minh Tâm)

Trước khi qua xứ anh đào du học, Hòa thượng Minh Tâm biết bên nước Nhật vào mùa đông rất lạnh và tuyết rơi nhiều, nên Ngài đã trang bị những đồ chống lạnh nào là : áo len, khăn quàng cổ, mũ len và vớ... Để đối phó với mùa đông và sẽ nếm cái lạnh giá buốt của xứ Nhật Bản. Ngài sinh ra ở Miền Trung nên khí hậu nắng nóng nhiều hơn lạnh, khi đến Nhật bắt đầu đón nhận mùa đông khắc nghiệt, ban đầu chịu chưa quen nên thường sổ mũi nhức đầu, đi ra ngoài đường phải mặc nhiều áo, quấn khăn, mang vớ và lúc nào cũng không quên chiếc mũ len, phải giữ cho ấm đầu, ấm cổ. Ngài đến Nhật du học và kiếm tiền để tự xoay xở cho cuộc sống mới, hằng ngày đi học và kiếm một công việc làm cho thích hợp với thời gian, nên đến xin một nơi cung cấp khẩu phần ăn cho các nơi đã đặt cơm phần. Tại đó họ cung cấp chiếc xe đạp và cột một thùng đựng đầy những cà men cơm được xếp sẵn. Ngài đến nhận công việc là giao những phần ăn đó đến những địa chỉ mà họ đã đặt cơm tháng. Mỗi ngày đi học thì tranh thủ lúc nghỉ đến nhận thức ăn để giao trong vòng 1 giờ nghỉ trưa. Mùa đông tuyết rơi, mọi người hối hả đi nhanh trong tuyết. Ngài thì vội vã trên chiếc xe đạp như con thoi qua lại trên phố cho kịp giờ, có lúc gió thổi mạnh cái nón len cuốn bay theo gió mất hẳn không tìm ra được, chịu lạnh suốt cả ngày. Thế là về một đêm cảm lạnh, nóng sốt, nhức đầu sổ mũi kéo dài đến mấy ngày. Sau khi hết bịnh Ngài nói rằng : "cái mũ len này cũng lợi hại quá, không có nó cũng ảnh hưởng cho sức khỏe nhưng kiếm đâu ra chiếc khác". Trong một tuần lễ đành chấp nhận khi ra ngoài trời lạnh với chiếc đầu trần, và từ từ bắt đầu quen dần, thôi thì quên nó đi. Từ đó công việc Ngài đi giao phần ăn trên chiếc xe đạp qua lại trên đường phố cả mùa đông năm ấy không có cái mũ len. Đến chiều Ngài trở lại gom những cà mèn cơm giao khi trưa, trả lại chỗ cũ, nếu những phần cơm nào họ chưa dùng thì Ngài lấy phần cơm trắng để dùng cho hôm sau. Hôm nào không có cơm dư thì dùng mì gói, do vậy suốt những năm ở Nhật mì gói là thức ăn chính của Ngài.

Từ khi Ngài được Viện Hóa Đạo cung cử Ngài qua Pháp để gầy dựng Giáo Hội Âu Châu. Nơi đó, Ngài thích nghi với thời tiết, một thân côi cút lặn lội khắp nơi với cái đầu trần trong tuyết rơi giá lạnh, đến đâu cũng tạo dựng đạo tràng và thành lập Giáo Hội tại nước đó.

Mùa đông năm 2000, con được nhân duyên đến thăm Ngài tại Chùa Khánh Anh, và xin tá túc tại đó vài tháng, nên gần gũi nghe được những câu chuyện vất vả khó khăn trong thời gian đến Nhật và hành đạo tại Âu Châu. Đang mùa đông về, trong khi mình mới đến nếm cái lạnh giá buốt ở Âu Châu, khi đi ra ngoài trang bị đủ thứ, nhưng riêng Ngài thì chỉ có một chiếc áo khoát, không đội mũ len và quấn khăn, làm tôi ngạc nhịên. Trong lúc dùng sáng tôi hỏi Hòa thượng sao không đội mũ len cho ấm đầu? Hòa thượng đã kể lại câu chuyện khi đến Nhật từ mùa đông đầu tiên năm đó, với lý do như trên nên Ngài không dùng đến mũ len nữa.

Kính lạy Giác linh, Ngài lặn lội trong tuyết lạnh với chiếc đầu trần, như mình đồng da sắt cùng với hạnh nguyện độ sanh nên không từ mệt nhọc, xây dựng Giáo Hội Âu Châu và gần 15 năm xây dựng ngôi đại tự Khánh Anh, hùng vĩ nguy nga giữa trời Âu, chưa kịp mừng khánh thành. Cuộc đời hành đạo của Ngài từ Nhật Bản sang Âu châu trong suốt 46 năm lưu vong ở xứ người, chưa một lần về thăm lại quê hương. Với thân gầy lặn lội khắp nơi tạo dựng đạo tràng, "kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng" không ngại mưa sa, bão táp thổi qua trong cuộc đời. Ngài là thuyền trưởng đứng mũi chịu sào trước cơn phong ba cuồng nộ, đương đầu giữa cơn sóng dữ. Kết nối các Giáo Hội và Tăng Ni hải ngoại thành một khối thống nhất. Khi Khóa Tu Học kỳ thứ 25 Âu Châu vừa hoàn mãn thì hạnh nguyện của Ngài cũng viên thành, Ngài đã chọn quê hương Phần Lan, miền cực Bắc lạnh lẽo nhập Niết Bàn. Ngài đã nhẹ nhàng ra đi, đã đến lúc Ngài được nghỉ ngơi, Ngài đã hiến suốt cả cuộc đời tu 65 năm, từ khi xuất gia phụng sự cho Phật Pháp. Chúng con đang hiểu rằng Ngài chỉ trả lại thân tứ đại này, chuẩn bị hóa thân tứ đại khác và sẽ trở lại trong một trọng trách mới, sứ mệnh của Bồ Tát độ sinh. Chúng sinh đang cần Ngài, Giáo Hội và Tăng Ni Phật tử đang đợi Ngài. Từ phương trời xa với lòng thành kính hướng về Khánh Anh tự, Pháp quốc đảnh lễ Giác Linh Hòa Thượng, ngưỡng mong Ngài từ bi chứng giám.

Chùa Huyền Quang Úc Châu

Ngày 15 tháng 8 năm 2013

Kính lạy

Đệ tử Thích Thiện Hiền