Phục chế ANGKOR WAT

từ những phiến đá

Hơn một thế thập kỷ trở laị đây, một cuộc vận động mang tầm vóc quốc tế nhằm bảo tồn Angkor Wat (còn gọi là Đế Thiên, Đế Thích ở Cam Bốt) và những công trình văn hoá cổ tương tự như bảo vệ các di tích ở Afghanistan, Iraq và những quốc gia khác đang được cả cộng đồng thế giới quan tâm.

Với khoảng 40 công trình chính cùng hàng trăm hạng mục tương tự được bố trí tại nhiều địa điễm khác nhau, việc tái thiết và bảo tồn Angkor Wat phải mất khoảng 25 năm mới có thể hoàn thành. Tuy vậy theo sáng kiến cuả Pháp, Nhật Bản và được sự hợp tác của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã nhất trí về sự chuyển giao hiếm có, chuyển việc bảo quản giữ gìn các kỳ quan của nhân loại này cho người bản địa thực hiện và bên cạnh đó là sự hỗ trợ cần thiết của những cơ quan văn hoá quốc tế. Xung quanh công trình, các dụng cụ làm việc như ống nước, giàn giáo của đội quân kỹ thuật, các nhà khảo cổ, kiến trúc sư, công binh đến từ 10 quốc gia đang làm việc trong sự canh gác bảo vệ của cảnh sát và dân quân địa phương, nhằm tạo sự an toàn cho khu vực làm việc. Ros Borath, Phó Tổng Giám đốc của Apsara, một tổ chức của chính phủ Campuchia chịu trách nhiệm theo dõi toàn bộ các công trình, nói: "Hệ thống bảo vệ luôn được đặt trong sự hợp tác rất ăn ý".

Từ khi Uỷ ban hợp tác quốc tế được thành lập năm 1993, các công binh đã rà soát được 25000 quả mìn ở trong khu vực này, trong đó khu vực Angkor Wat có đến 3000 quả. Việc trộm cắp các bức tượng và trụ gạch nơi đây đã chấm dứt và các tổ chức buôn bán cổ vật ăn cắp quốc tế đã bị chặn đứng. Những con đường vào khu đền tháp dã được xây dựng, và có cả một trung tâm hướng dẫn du khách tham quan. Tại một cuộc hội thảo về Angkor ở Paris vào tháng 11 năm ngoái (2003). Tổng Giám đốc UNESCO, Koichiro Matsura, phát biểu : "Những kiến thức chúng ta tích luỹ được trong suốt thập niên qua và trong thời gian tới sẽ góp phần giúp ích cho việc khôi phục các công trình cổ đại khác như Bamiyan ở Afghanistan hay các di sản vùng Lưỡng Hà ở Iraq".

Vùng Angkor hiện nay đang đối diện với những thách thức để đi đến thành công. Khách tham quan quần thể Angkor Wat tăng lên gấp sáu lần trong sáu năm trở lại đây, đạt đến con số 600.000 người mỗi năm, trong đó quá nửa là người nước ngoài. Niềm kiêu hãnh của nước chủ nhà đối với Angkor Wat thể hiện ở lượng khách trong nước đến tham quan Angkor Wat ngày càng đông (họ không phải trả các chi phí trong khi người nước ngoài phải trả 20 đô-la cho 1 ngày ở đây và 40 đô-la cho 3 ngày) Lần đầu tiên người dân cảm thấy đi đến đây thật dễ dàng. Rất nhiều người Campuchia đi du lịch để khám phá những di sản văn hoá dân tộc cũng như hành hương đến cùng đất linh thiêng của lịch sử Phật giáo nước nhà.

Quần thể Angkor Wat hưng thịnh trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV và đã bị bỏ rơi một thời gian mãi đến khi được người Pháp tìm ra trong giữa thế kỷ thứ XIX. Sau khi Campuchia giành được độc lập từ người Pháp năm 1953, những nhà khảo cổ học Pháp vẫn tiếp tục quản lý việc bảo tồn Angkor Wat và trong quá trình dó, chỉ có người Pháp nghiên cứu và khôi phục các công trình cổ ở đây. Thế nhưng, có một sự tiến bộ đáng kể, chỉ ít là ở Angkor Wat và một số ngôi đền bên trong của Angkor Thom, bao gồm cả đền Bayon và khoảng 200 bức điêu khắc đã được phục hồi. Nhưng sau đó, đến năm 1972, chiến tranh đã ngăn cản tiến trình này.

Các nhà khảo cổ và kiến trúc sư Campuchia đã cùng chung số phận với hàng trăm ngàn người dân vô tội trong cuộc diệt chủng của chế độ Khmer đỏ. Borath, Phó Tổng Giám đốc của Apsara, cho biết : "chiến tranh đã chấm dứt nhưng khu vực này vẫn chưa có được sự đảm bảo về an ninh. Có thể cách họ làm không đúng, nhưng nó cũng tốt cho sự hồi tưởng về những điều kiện như thế trong quá khứ".

Cuối cùng, đến năm 1991, các phe phái đã ký một hiệp ước hoà bình. Năm sau, UNESCO đã đưa Angkor Wat vào danh sách di sản văn hoá thế giới trong điều kiện chính quyền Campuchia đang nổ lực lên chương trình chi tiết cho việc bảo tồn di sản này. Năm 1993, Uỷ ban Hợp tác quốc tế đã xây dựng một quỹ viện trợ quốc tế cho việc bảo tồn, trong đó có cả chương trình của Nhật đào tạo một thế hệ khảo cổ và kiến trúc sư mới cho người bản địa.

Công việc này cũng đủ để khiến cho tất cả mọi người phải bận rộn. Quỹ bảo tồn các công trình thế giới giúp sức để giữ gìn Preah Khan và các đền đài nhỏ. Nhóm chuyên gia Trung quốc đang phục hồi Chau Sey Tevoda bên ngoài cửa đông cuả Angkor Thom. Người Thuỵ sỹ đang phục hồi cấu trúc của đền Banteay Srei, cách Angkor Wat khoảng 32km về phía đông bắc. Các chuyên gia Nhật đang xây dựng lại tháp Prasat Suor Prat và con đường đắp nổi vượt qua bờ hào dẫn vào Angkor Wat. Người Ý đang củng cố lại hệ thống tường hào. Từ sau những năm 1990, các chuyên gia Đức đã làm việc bên trong đền Angkor Wat để phục hồi và bảo tồn hơn 1.850 bức tượng apsaras chạm bằng đá. Hans Leissen, trưởng nhóm chuyên gia Đức cho biết : "Rất nhiều công trình đang ở trong tình trạng báo động, bởi vì khí hậu và tình trạng ni tơ, phốt pho và sulfat hoá đang gặm nhấm các bức tường Baphoun từng ngày".

Dự án có tham vọng lớn nhất do người Pháp tiến hành là việc phục hồi lại ngôi đền Baphoun phía bên trong Angkor Thom. Họ sử dụng phương pháp Anastylosis do người Đức sử dụng, để phục hồi Borobudur (Nam Dương) và những công trình khác cuả Ấn Độ. Đó là tháo gỡ dần từng tảng đá của ngôi đền bị hư hỏng và xây lại, nếu thấy cần thiết, họ sẵn sàng sử dụng những kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ.

Các chuyên gia Pháp bắt đầu công việc ở đền Baphoun từ năm 1960 và họ đã tháo dỡ khoảng 300.000 tảng đá, trong thời gian đầu thập niên 1970, có tảng nặng khoảng 2 tấn. Đến năm 1995, khi công việc được nối lại, những tài liệu trước đấy đã bị mất hết. Pascal Royère, người chỉ đạo dự án, nói : "Mỗi vị trí có một tảng đá riêng và mỗi tảng đá có một vị trí riêng của nó, thế nhưng chúng tôi chỉ có những bức hình chụp về công việc trước đây". Dù vậy, chúng tôi sẽ từng bước tái thiết lại ngôi đền, công việc dự tính đến năm 2005 sẽ hoàn thành. Ngược lại, ngôi đền Ta Prohm thì đầy thứ ngổn ngang. Ở đây, cây Banyan mọc lấn lên những phần đổ nát của đền, người ta phải dọn đi rất nhiều để tìm lại dấu vết của ngôi đền vốn đã được phát hiện từ thế kỷ thứ XIX. Nhóm người Ấn có trách nhiệm phải giữ lại được những bức tường hư hỏng và xác định những vùng bị ngập lụt hàng năm, nhưng không được đụng đến cây ở đây. "Cây cũng là một phần di sản này của thế giới" , Borath nói. "Nó là một phần của công trình". Ông cười và nói thêm : "Trong bất cứ điều kiện nào, thật khó để biết được việc xây dựng những công trình ở đây ngăn cản cây hay cây ngăn cản các công trình". (Theo New York Times, Jan 30-2004)

Gia Quốc

Các nhà sư Phật giáo ở Angkor Wat

Pháp An dịch

Angkor Wat một biểu tượng Phât giáo nguyên thuỷ tồn tại từ xưa đến nay là một điều khẳng định trong lịch sử Phật giáo Kampuchia. Từ khi bị quân Chiêm thành tấn công vào cuối thế kỷ 12 thì Angkor Wat bị bỏ hoang và sau đó được các nhà sư Phật giáo Khmer biến thành "Ngôi chùa Phật giáo" với sự có mặt thường xuyên của giới Tăng lữ từ đó đến nay. Angkor Wat là một trong những di sản thế giới còn lại từ những nền văn minh cổ có sức thu hút khách du lịch rất lớn, một trung tâm hành hương quan trọng của Phật tử Khmer và là một trung tâm thiền định lớn của giới Phật giáo tại đây.

Nguyên thuỷ, Angkor Wat được Vua Suryavarman II thiết kế và xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ thần Vishnu. Sau cuộc tấn công của quân Xiêm, Vua Jayavarman lên ngôi và xây dựng một kinh đô mới với tường thành bao quanh goị là Angkor Thom (vị trí không xa Angkor Wat) Cuộc xây dựng đầy tham vọng của Vua Jayavarman đã vét cạn mọi nguồn tài lực, nhân lực và tài nguyên của đất nước, dẫn đến hậu quả cuối cùng là đế quốc Khmer 1 thời hưng thịnh bị kiệt quệ và đi đến tan rã.

Năm 1431, quân Xiêm nhân cơ hội đế quốc Khmer suy sụp đưa quân sang tấn công và chiếm được Angkor Thom. Sau khi bị chiếm, kinh đô Angkor Thom liền bị quân Xiêm cướp bóc, giết hại tàn phá nặng nề. Kết quả là sau khi quân Xiêm rút về nước, Angkor Thom bị bỏ hoang và triều đình Khmer di chuyển về vị trí gần Phnom Pênh hiện nay.

Cùng sự tàn phá và đổ vỡ của kinh đô Angkor Thom, các đền đài và chùa chiền cũng bị huỷ diệt và các nhà sư Phật giáo Khmer không còn chọn lựa nào khác ngoài việc quay trở về Angkor Wat. Từ đó đến nay. Angkor Wat trở thành một phức hợp đại tự trong khi phần đất bao quanh Angkor Thom lần lần bị rừng rậm bao phủ (Angkor Thom chỉ được phát hiện trở lại vào giữa thế kỷ 19 do một nhà thám hiểm người Pháp).

Điều cần được nêu rõ là từ đầu thế kỷ 15 cho đến nay. Angkor Wat lúc nào cũng có giới tăng lữ trú ngụ, tu học và hành đạo, chỉ trừ thời gian chế độ Pôn Pốt cầm quyền đã biến nơi đây thành kho vũ khí đạn dược giết người. Tuy sau cuộc diệt chủng của Pôn Pốt với hơn 25.000 sư sãi Khmer bị giết hại, con số sư sãi chính thức của vương quốc Kampuchia ngày nay được phục hồi xấp xỉ con số 25.000.

Hiện ở phía bắc và phía nam của phức hợp Angkor Wat có hai tu viện được xem là hai khu tăng xá lớn của Tăng đoàn địa phương. Hai tu viện này cũng là nơi cư ngụ của các Phật tử địa phương đến từ Xiêm Riệp và cáckhu làng quanh vùng Angkor. Họ sử dụng 2 tu viện làm nơi cầu nguyện và thiền định. Hiện Angkor Wat là nơi có rất nhiều tăng lữ cư ngụ và tu học. Tuỳ theo ngày giờ thăm viếng, có lúc người ta thấy số Tăng lữ còn nhiều hơn cả khách du lịch.

Ngày nay, ngoài số Tăng lữ Khmer người ta còn thấy các sư sãi và các phật tử từ khắp nơi trên thế giới đổ xô về Angkor Wat để hành hương chiêm bái các Phật tích... Đặc biệt, là các nhà sư người Mỹ, người Pháp, và các sư sãi Thái Lan : Thậm chí, người ta còn thấy các vị Lạt Ma Phật giáo Tây Tạng ngồi thiền quanh các bờ hồ rộng lớn và phẳng lặng như gương quanh đường vào phức hợp Angkor Wat. Có thể nói Phật giáo ở Angkor Wat sau này sẽ thịnh trở lại và Angkor Wat có khả năng trở thành một trung tâm tu học của Phật giáo Nguyên thuỷ ở Campuchia.

(Theo Angkor Wat is a Living Temple -Angkor Magazine)