Tại sao lại luật tứ phần

 

T.T. Thích Nhất Chân

Lược dẫn

Khoảng ba trăm năm sau khi Phật nhập diệt, Phật giáo đi vào giai đoạn thường được gọi là "bộ phái Phật giáo," tức giai đoạn mà Phật giáo bị phân hóa ra thành nhiều tông phái. Giai đoạn này kéo dài từ 300 năm trước công nguyên cho đến khoảng năm 50 công nguyên, phần lớn là do sự dị biệt ý kiến trong khi giải thích giáo pháp của đức Phật mà ra. Sự phân phái ấy đã ảnh hưởng đến toàn diện mọi lãnh vực học hỏi trong Đạo Phật. Tổng quát Đạo Phật có ba lãnh vực kiến thức cần phải học, đó là Kinh, Luật và Luận, gọi chung là Tam Tạng. Khi phân thành nhiều tông, thời Kinh Luật Luận của mỗi tông cũng bị ảnh hưởng bởi sự dị biệt ý kiến tông phái mà thành khác nhau. Thực ra sự khác biệt ấy chỉ được thấy một cách rõ ràng trong lãnh vực Luận Tạng, vì nơi ấy chính là một diễn đàn tự do cho các thành phần ưu tú trong Đạo Phật, tức các Luận sư, giảng giải và đóng góp ý kiến về ý nghĩa hoàn hảo nhất của Pháp Phật vốn được gói trọn trong Kinh tạng và Luật tạng. Trong khi đóng góp ý kiến như thế, họ tranh luận với nhau, và kết quả không phải là ai đúng hơn, mà là nhiều quan điểm khác nhau được thành lập để trở thành các "tông nghĩa," hay "tông thú," mà từ đó lập thành các tông phái.

Kinh và Luật do vì chỉ mình đức Phật mới có thẩm quyền nói lên hoặc phán quyết, thế nên vẫn giữ được trọn vẹn sắc thái "một vị" nhất trí. Song Kinh, chỉ nói lên về chân lý, không có tính cách bó buộc người ta phải tuân theo và tôn thủ. Lại nữa ý nghĩa của Kinh bao la không cùng, thế nên người giải thích Kinh được "tự do" mà diễn nghĩa, luận giải, do đó mới thành sự dị biệt về ý kiến trong Luận Tạng. Vì vậy Kinh không hề bảo đảm sự thống nhất ý kiến mà còn luôn làm hậu thuẫn cho Luận phát triển, dễ tạo thành sự phân tông rẽ phái.

Mục tiêu Phật chế Giới

Nhưng Luật lại khác, vì ngoài Phật ra không ai được quyền chế lập, và cũng không ai đủ quyền sửa đổi bất cứ gì, dù chỉ là những điểm tạp toái. Không những thế mọi người còn phải tôn trọng tuân thủ tuyệt đối, vi phạm tức có nghĩa là "đứng ra ngoài," không còn tư cách một đệ tử Phật nữa. Đó là ý nghĩa căn bản của Luật, dù là luật thế gian hay ngoại đạo đi nữa.

Lại nữa, đức Phật chế Luật chính yếu nhằm các mục tiêu như sau :

(1) Tăng được hòa hợp và tăng trưởng hưng thịnh.

(2) Điều phục chúng sinh, đưa họ vào Đạo.

(3) Dứt trừ phiền não cho cá nhân người tu Đạo.

(4) Chính pháp cửu trụ.

Các mục tiêu này được thể hiện qua "thập cú nghĩa" mà mỗi phen kết giới Ngài đều có lập lại : Nhờ Tăng hòa hợp nên an lạc và hoan hỉ. An lạc hoan hỉ nên Tăng lành mạnh, Tăng lành mạnh thời nhiếp phục được chúng sinh nhập đạo, đồng thời cá nhân mỗi vị tăng đều được tinh tiến dứt trừ hữu lậu. Tăng tu tập thành đạt như thế ắt chính Pháp sẽ vững mạnh trường tồn. Qua đó sự hòa hợp của Tăng là điều căn bản nhất cần phải có để cho chân lý của Đạo Phật được hiện hữu trong thế gian này, và có thế thì mọi ý nghĩa lợi lạc hữu tình và thành tựu giải thoát cho chính mình của Đạo mới hiện hành và thành quả được.

Tầm mức quan trọng của Giới Luật

Tóm lại, nếu đức Phật không chế Luật, thì một khi Tăng phân hóa rồi, Tăng sẽ bị chia chẻ luôn thành các nhóm nhỏ, chúng sinh và Phật Pháp sẽ không có nơi y cứ vững chắc nữa, thế nên sự tổn lợi và mai một chắc chắn sẽ xảy ra. Đức Phật đưa ra ví dụ các đóa hoa bỏ trên bàn bị gió thổi bay tứ tán hết, và nếu các đóa hoa được xỏ lại với nhau, thì gió không thổi tán đi được. Giới Luật chính là sợi dây nối kết các đóa hoa, tức các đệ tử Phật, lại với nhau để cho Phật Pháp được cửu trụ, chúng sinh được lợi lạc vậy.

Sự phân phái có thể vẫn chia Tăng ra thành vùng, thành địa phương, song trên phương diện sinh hoạt tập thể với nhau, đường lối kỷ cương của Tăng đoàn, niềm tin, tư cách đạo đức, đối xử, ăn mặc, cách sống trong sinh hoạt hàng ngày, Tăng đoàn vẫn thống nhất và hòa hợp một vị, không phân biệt tông phái hay địa phương. Trong Đạo Phật, người ta không thể vì tông phái mà từ chối một người khác tông không cho tham dự vào các sinh hoạt tập thể, không cho họ được hưởng phần các lợi dưỡng của Tăng chúng. Vì các sinh hoạt và lợi dưỡng này là thuộc về lãnh vực Giới Luật, chứ không thuộc về đường hướng của tông phái. Thế nên có khác tông phái đi nữa, tăng chúng vẫn hòa hợp được với nhau trong đời sống sinh hoạt tập thể vậy. Tăng được quy định bởi Giới Luật chứ không bởi tông phái. Vì vậy, mặc cho các tông phái cứ tự do phát triển theo các khuynh hướng diễn giải sai khác về Kinh Tạng, song vì Giới Luật là một nên Đạo Phật, mà hiện thân là Tăng đoàn, không vì thế mà bị tổn hại hay chia rẽ chút gì, trái lại còn trở nên phong phú và phát triển rộng lớn hơn nữa. Do đó phân thành tông phái không hề có nghĩa là "phá Tăng," bởi vì "nề nếp" của Tăng, mà hiện thân là Giới Luật, không hề bị phân phá hay phân rẽ. Chỉ khi một quy củ mới được đặt ra để thay thế vào và không chấp nhận Giới Luật xưa nay của Phật nữa, thì mới đúng nghĩa là phá Tăng, như trường hợp Đề Bà Đạt Đa đặt ra 5 pháp làm quỹ phạm cho đời sống Tăng đoàn, thì khi ấy Tăng luân mới bị phá, tức Tăng bị chia rẽ hoàn toàn. Qua đó, chúng ta có thể nhận định ra được tầm quan trọng của Luật Tạng đến mức nào trong sự trường tồn của Đạo Phật vậy.

Lý do có nhiều Luật bản khác nhau

Giới Luật như thế phải luôn luôn thống nhất làm một. Tuy nhiên, không phải vì thế mà trong Đạo Phật chỉ có một bản Giới Luật duy nhất. Do từ nguyên thủy, sự truyền Đạo hoàn toàn là khẩu truyền, lại có thể chỉ một pháp thôi mà đức Phật thuyết nhiều lần khác nhau cho nhiều người khác nhau, và chắc chắn rằng không phải lần nào cũng giống in như lần nào, thế nên những người nghe truyền lại luôn luôn sẽ có sự xê xích ít nhiều. Vì vậy tuy là một Giới Luật của Phật chế định, song vẫn có nhiều bản Giới Luật với nhiều điểm sai khác nhau. Điều này không có gì quan trọng, bởi vì nội dung và đường hướng ý nghĩa chính của các Luật bản ấy vẫn hoàn toàn thống nhất. Chỉ có đến giai đoạn phân phái về sau này, không ít thì nhiều các Luật bản sai khác ấy lại do ảnh hưởng thêm khuynh hướng tông phái mà có thêm các sự sai khác nữa. Song các sự sai khác này cũng chỉ phản ảnh lên khuynh hướng giải thích về Pháp nghĩa và đường hướng nhận định về Phật Pháp của tông phái, chứ không ảnh hưởng gì hết từ hình thức đến nội dung và tinh thần của Giới Luật xưa nay.

Thực vậy, ngay cả đến khi Đại Thừa phát triển tại Ấn Độ, không những Kinh và Luận Tạng của Đại Thừa hoàn toàn khác hẳn với Kinh và Luận Tạng nguyên thủy được hình thành qua giai đoạn bộ phái, Đại Thừa còn có cả Bồ Tát Luật Tạng riêng rẽ. Song phải hiểu là Bồ Tát Luật Tạng không hề thay thế chỗ hay hủy bỏ đi Luật Tạng nguyên thủy ấy, mà chỉ là phần thêm vào cho tương ưng với sự thực hành Bồ Tát Đạo. Thế nên hình thức sinh hoạt của Tăng đoàn vẫn không hề bị biến thái hay thay đổi gì cả.

Chỉ khi Đại Thừa bắt rễ vào mảnh đất Trung Hoa và mạnh mẽ độc lập phát triển muôn mặt và trở nên "độc tôn" tại đây, thời lúc ấy hình thức sinh hoạt, ăn ở, cách phục sức .v..v... của tăng chúng mới không còn giữ đúng vẻ nguyên thủy xưa nay như bên Ấn Độ nữa. Hình thức tuy không còn là bao, song truyền thừa lại tinh thần Đại Thừa của Ấn Độ, Phật giáo Trung Hoa vẫn hoàn toàn tôn trọng và phụng trì Luật Tạng nguyên thủy, vẫn coi đó là nền tảng, là quỹ phạm cho đời sống cá nhân tăng lẫn sinh hoạt Tăng đoàn.

Các Luật bản khác nhau :

Vấn đề của Phật giáo

Trung Hoa

Song vấn đề là không hề có một bộ Luật nguyên thủy thống nhất nào hết cho Phật giáo Trung Hoa tuân hành, mà lại có một lúc nhiều Luật bản sai khác nhau được hình thành vào giai đọan bộ phái sau này theo chiều hướng tông phái. Vậy phải đối xử ra sao đây ? Chọn bộ luật nào đây ? Nếu sử dụng hết thì làm nặng nề cho người học, khó đưa lại được sự thống nhất trong sinh hoạt tăng chúng, dễ làm phát sinh các tranh cãi không lối thoát. Nếu phải chọn một bộ thôi, thì chọn ra sao ? Chọn theo tiêu chuẩn thế nào ? Đó là tất cả vấn đề của Phật giáo Trung Hoa đối trước sự hành trì Giới Luật.

Tổng cộng trước sau, Trung Hoa đón nhận vào 5 bộ Quảng Luật được truyền dịch sang Hán ngữ, phản ảnh lên sự phân phái trong giai đoạn bộ phái Phật giáo. Năm bộ ấy theo thứ tự thời gian được truyền dịch vào trung Hoa là :

(1) Thập Tụng Luật thuộc bộ phái Tát Bà Đa, được dịch ra vào năm 405.

(2) Tứ Phần Luật thuộc bộ phái Đàm Vô Đức, được dịch ra vào năm 413.

(3) Ma Ha Tăng Kỳ Luật thuộc Đại Chúng Bộ, dịch ra vào năm 418.

(4) Ngũ Phần Luật thuộc Hóa Địa Bộ, dịch ra vào năm 423.

(5) Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Gia, dịch ra vào năm 711.

Trong 5 bộ ấy thì bộ cuối cùng dịch ra trễ hơn các bộ kia đến cả 3 thế kỷ, thế nên khi bộ này ra đời, thì vấn đề tuyển trạch Luật bộ để hành trì đã được giải quyết đâu đó rồi, sự tu tập giới luật tại Trung Hoa đã hình thành cả một truyền thống vững chắc rồi. Thế nên nói đến việc tuyển trạch Luật bộ để khai mở ra truyền thống hành trì giới luật trong Phật giáo Trung Hoa thì chỉ kể có 4 bộ đầu. Và trong 4 bộ ấy thì Tứ Phần Luật đã được các Luật sư Trung Hoa thời ấy coi là đủ tiêu chuẩn để thích ứng với Phật giáo Trung Hoa hơn hết. Tiêu chuẩn ấy là tiêu chuẩn gì ?

Phán giáo và tiêu chuẩn để tuyển chọn

Dĩ nhiên một khi Đại Thừa Phật giáo được phát triển và hoàn toàn thành công tại Trung Hoa một cách vô cùng mỹ mãn, thì mọi kiến giải, mọi khuynh hướng tu trì, đều phải tương ưng với "tinh thần" Đại Thừa thì mới đủ điều kiện để đứng vững và phát triển trong lòng Phật giáo Trung Hoa. Nếu không khế hợp với Đại Thừa thì tự động sẽ bị loại ra khỏi sự quan tâm của mọi người. Tuy rằng Đại Thừa chấp nhận hết mọi Pháp của Phật bất kể là Tiểu Thừa hay Nguyên Thủy, song các pháp ấy hoặc chỉ được coi như phương tiện phụ trợ hoặc phải được nhận định và luận giải theo chiều hướng của chân lý Đại Thừa. Đại Thừa trở thành tiêu chuẩn để nhận định và phán đoán mọi lãnh vực của Phật Pháp.

Trên cơ sở tiêu chuẩn Đại Thừa ấy, các Luật sư Trung Hoa thực hiện công cuộc "phán giáo" đối với 4 bộ Luật trên. Tuy Thập Tụng Luật được dịch ra sớm nhất và lại do pháp sư lừng danh Cưu Ma La Thập hợp dịch với Phất Nhã Đa La, nên sự hành trì bộ Luật ấy không thể nào lại không phổ biến, song chính Ma Ha Tăng Kỳ Luật mới là bộ Luật được phụng hành phổ thông hơn hết trong khoảng thế kỷ thứ 5 ấy. Như Huệ Quang luật sư (468-573), người đầu tiên mở đầu phong cách giải thích Tứ Phần Luật thành chương sớ đâu đó rành mạch rõ ràng, thuở đầu cũng tinh nghiên và giảng giải về Luật Tăng Kỳ. Khi Trí Thủ luật sư (567-635) vào Trường An để hoằng dương Tứ Phần, Sử ghi các tự viện nơi đó đều chuyên phụng trì Luật Tăng Kỳ ..v..v...

Song khởi đầu từ Huệ Quang luật sư, khi ngài phán Tứ Phần Luật thuộc về Đại Thừa, và đã viết sớ giải về bộ Luật này để hoằng dương, nhờ vào uy tín quá mạnh mẽ của ngài, vừa là Quốc Thống của triều Bắc Ngụy, vừa là Tổ sư của Địa Luận Tông thuộc Nam Đạo Phái, thế nên phải chăng là Tứ Phần Luật đã có ngay một thế đứng vững chắc. Sau đó, nhờ vào thiên tài của Trí Thủ luật sư qua sự luận giải và tạo sớ về Luật Tứ Phần đã nhiếp phục hết mọi giới danh tăng trong Trường An quy tâm về Tứ Phần, Sử ghi suốt ba mươi năm trời qua lại đất Kinh Sư không một ai đương cự nổi ngài. Nhưng phải đến thời Đạo Tuyên luật tổ (596-667), môn đồ của Trí Thủ luật sư, mọi phán định và giải thích về "vị thế" của Luật Tứ Phần trong Đại Thừa Phật giáo mới được quyết trạch dứt khoát và phân minh. Từ đó Tứ Phần Luật được đặt lên địa vị tột đỉnh và không một bộ Luật nào có thể vượt qua hay lật đổ nổi nữa. (Riêng bộ Căn Bổn Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ Tỳ Nại Gia, trong thời hiện đại, Hoằng Nhất luật sư lúc đầu cũng rất tâm đắc với sự nghiên cứu tinh tường của mình về bộ Luật này, và định ra sức hoằng hóa. Nhưng sau khi duyệt xét lại các bộ sớ giải của Đạo Tuyên luật tổ về Luật Tứ Phần, ngài đã đổi ý hoàn toàn, quy tâm sám hối và phát nguyện suốt đời sẽ hoằng dương Luật Tứ Phần trở lại.)

Sự phán giáo chung cục của Tổ Đạo Tuyên

Không giống như các bộ Luật kia vẫn bị coi là hoàn toàn thuộc về Tiểu Thừa Giáo, Luật Tứ Phần được Huệ Quang luật sư phán là Đại Thừa Giáo. Song đến Đạo Tuyên luật tổ lại không chấp nhận như vậy : Nếu Tứ Phần Luật là Đại Thừa, thì Phạm Võng Bồ Tát Giới là gì đây ? Làm sao phân biệt được chiều hướng của hai bộ Luật này nữa ? Do đó tổ Đạo Tuyên cho lối phán giáo ấy là "lạm," nghĩa là thái quá thành lẫn lộn bất phân nữa. Từ đó tổ phán định lại Luật Tứ Phần vẫn thuộc về Tiểu Thừa Giáo, song được gọi là "quá phận Tiểu Thừa Giáo," nghĩa là tuy là Tiểu Thừa song "ngấm ngầm" có ý hướng vươn lên khỏi Tiểu Thừa, đối với các bộ Luật kia được gọi là "đương phận Tiểu Thừa Giáo," nghĩa là hoàn toàn thuộc về, nằm gọn trong lãnh vực của giáo lý Tiểu Thừa. Hay nói khác hơn là Luật Tứ Phần là "phận thông" với Đại Thừa, nghĩa là có phần nào đó thuộc về Đại Thừa, chứ không phải toàn thể là Đại Thừa, hoặc có nghĩa là tuy Luật Tứ Phần là Tiểu Thừa Giáo nhưng lại tông theo Đại Thừa.

Sau này Linh Chi luật sư (1048-1116) đời Tống nêu ra 5 nghĩa trong Tứ Phần để chứng minh điều này, ngài nói : "Tứ Phần tuy vốn là tiểu thừa, song không giống với các bộ luật khác của Tát Bà Đa bộ, vì nó có một phần nào đó chung với đại thừa. Tìm xét nghĩa lý thời bổn luật này có 5 chỗ, do 5 chỗ đó thấy rõ là có phần thông với đại thừa." Năm chỗ ấy thường gọi là "ngũ nghĩa phận thông" như sau :

Đạp Bà hồi tâm : Đạp Bà Ma La Tử đã chứng A La Hán quán thân vô thường không chắc thực, rồi khởi tâm tìm pháp chắc thực bằng cách phát nguyện làm việc phục dịch cho Tăng. Phát tâm như thế chính là "hồi tâm" về Đại Thừa, tu hạnh lợi tha, chứ không vì chán thân mà xả bỏ hết để vào tịch diệt.

Thí sinh thành Phật : Bài kệ cuối cùng trong văn hồi hướng sau khi tụng Giới xong của bộ Luật này là: "Tôi nay nói Giới kinh, bao công đức có ấy, thí tất cả chúng sinh, đều cùng thành Phật Đạo." Thí công đức cho chúng sinh đều thành Phật như thế thì sao là tiểu thừa được?

Tương triệu Phật tử : Trong lời tựa của Tứ Phần thường có các câu nói như : "Như vậy các Phật tử," hoặc "Phật tử cũng như vậy." Thường thì chỉ trong Đại Thừa Giới, như Phạm Võng Kinh, mới gọi Tăng chúng là "Phật tử" còn trong Tiểu Thừa Giới chỉ gọi là Tỳ Khưu. Nay Tứ Phần gọi Phật tử như thế là rất gần gũi với Đại thừa.

Xả tài dụng khinh: Khi một tài vật của một vị Tỳ Khưu theo luật bị coi là dư thừa, thì vị này phải xả tài vật ấy cho Tăng, để sau đó Tăng sẽ hoàn lại cho vị ấy. Nếu tăng không hoàn lại mà tự tiện sử dụng tài vật ấy, thời trong Tứ Phần phán là tội "khinh," tức tội nhẹ, chứ không phán là tội trộm cắp. Bởi xét theo tâm ý của vị Tỳ Khưu kia đã thành tâm xả vật, không coi là của mình nữa, nên vật kia trở thành vật vô chủ, vì vậy nên tùy tiện sử dụng vật ấy không bị tội trộm mà chỉ là tội nhẹ thôi. Thể theo ý nghiệp mà phán định như thế là thuộc về giáo nghĩa của Đại Thừa vậy.

Thức liễu trần cảnh: Trong Tứ Phần khi nói về giới tiểu vọng ngữ, có nói : "nhãn thức thấy được, nhĩ thức nghe được, tỉ, thiệt, thân thức xúc chạm được, ý thức biết được." Tiểu Thừa Hữu Bộ chủ trương các căn mắt, tai, mũi, lưỡi thân, ý có công năng nhận biết các cảnh, chứ không phải là "thức." Ngược lại Đại Thừa chủ trương các "thức" mới phân biệt nhận biết được các cảnh chứ không phải các căn. Nay Tứ Phần cũng chủ trương "thức" biết các cảnh, thế nên hoàn toàn phù hợp với kiến giải của Đại Thừa.

Ngoài ra chính tổ Đạo Tuyên cũng ghi nhận cho hay là ngay câu kệ đầu tiên của bài tựa Giới Kinh của Luật Tứ Phần là "Khể thủ lễ chư Phật, cùng Pháp, Tỳ Khưu Tăng..." thì đặc biệt cũng chỉ có Luật Tứ Phần mới lễ "nhiều" Phật theo tinh thần của Đại Thừa, chứ không chỉ lễ riêng một Thích Ca Phật như các bộ Luật kia. Dĩ nhiên bài tựa và hồi hướng của Giới Kinh là do Bộ chủ Đàm Vô Đức làm ra, song điều ấy cho thấy là ngài Đàm Vô Đức có xu hướng Đại Thừa, và do đó bộ phái này và bộ Luật này đương nhiên cũng thuộc về khuynh hướng Đại Thừa.

Kết luận

Qua đó, chúng ta thấy được lý do chính yếu tại sao các bậc cao tăng thạc đức trong học giới Phật giáo Trung Hoa lại lựa chọn Luật Tứ Phần làm bộ Luật chính yếu để hành trì. Chẳng phải vì bộ Luật này có tầm vóc đồ sộ gì hơn, có nhiều chi tiết đặc biệt gì hơn, hay cổ xưa gì hơn, nguyên thủy gì hơn các bộ luật khác, so sánh với nhau nội dung các bộ vẫn có nhiều điểm ưu khuyết qua lại, vì thế khi giải thích về Tứ Phần Luật tổ Đạo Tuyên vẫn dựa trên tất cả các bộ Luật khác để bổ túc những gì mà Tứ Phần Luật thiếu sót. Do đó, lý do chư tổ chọn Luật Tứ Phần chẳng qua là vì chỉ riêng bộ Luật này thôi mới có khuynh hướng Đại Thừa. Mở đầu bộ Tứ Phần Luật Hành Sự Sao, Đạo Tuyên luật tổ đã tốn khá nhiều giấy mực để trình bày về vấn đề này. Một khi bộ Luật này tông theo Đại Thừa như thế rồi, thời mọi ý nghĩa quan trọng khác như về Tam Bảo, về phát tâm quy y thọ giới, về sám hối v.v...

...mới được mạnh dạn và thoải mái thông thoát giải thích theo các tri kiến của Đại Thừa, như Tam Bảo thì có lý thể Tam Bảo hay nhất thể Tam Bảo, như Lý sám với Duy Thức tứ vị, phát tâm thọ Giới qua ba thệ nguyện và thành quả là ba thân Phật v.v... Mọi ý nghĩa ấy đều thuộc về giáo lý Đại Thừa. Quan trọng nhất là sự giải thích về Giới Thể vô biểu, Tổ cho rằng quan điểm chủng tử trong A lại gia thức mới biện giải được chính xác và toàn hảo về ý nghĩa của Giới Thể. Và với quan điểm "Viên Giáo" của Đại Thừa, Tổ cho rằng ngay trong sự hành trì Luật Tứ Phần, dù là Luật của Tiểu Thừa, đã có đủ trọn vẹn chân lý của Đại Thừa trong ấy rồi. Không phải rằng trong khi giải thích về bộ Luật này, ngài đã nói hết về Đại Thừa rồi hay sao ? Và cũng phải chăng vì quan điểm này mà Đạo Tuyên luật tổ chỉ nỗ lực hoằng dương Luật Tứ Phần là đủ rồi, chứ không cần phải minh giải gì thêm về Luật Tạng Đại Thừa nữa ?