Những người muôn năm cũ


...Nhớ mang máng ở đâu đó có một bài thơ tưởng đến "Ông đồ già"... mỗi năm hoa đào nở, lại nhớ ông đồ già, nghiên mực, tờ giấy đỏ, bên phố đông người qua... Hình ảnh quen thuộc này cứ lập lại mỗi năm, mỗi năm. Nhưng ngày nay không còn nữa. Vẫn hoa đào nở rộ, vẫn đường phố có đông người qua lại. Mà không thấy hình ảnh ông đồ ngồi "bán chữ". Người nhớ hình ảnh cũ bâng khuâng đặt câu hỏi :

...Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ ?

Tự nhiên, hết sức tự nhiên ! Ai cũng có thể đặt ra câu hỏi đó. Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước (Tú Xương, chữ "sĩ" ở đây cũng có thể bao gồm cả tu sĩ !) ai ai gặp cảnh ngộ tương phản trong cuộc đời cũng đều đặt ra câu hỏi đó :

- Những người đã sống, đã đóng góp công sức trước đây, rồi họ mất đi, theo lẽ vô thường. Bây giờ họ ở đâu, họ sinh hoạt thế nào ? có còn liên hệ gì với người hiện tại không ?

Theo tín ngưỡng dân gian, khi mất đi là sum họp với "thế giới ông bà" cho nên thường dùng chữ "theo ông theo bà" (diệp lạc quy căn : lá rụng về cội). Và cứ hàng năm vào ngày kỵ giỗ, tết nhứt hay rằm tháng bảy, họ tách khỏi "khối ông bà" trở về "thăm" để thấy con cháu cúng bái, nghe con cháu kể lể, cầu xin... ông bà cha mẹ chứng cho tấc dạ lòng thành cây hương, chén nước và luôn luôn phò hộ cho đám con cháu... làm ăn tấn phát, tai qua nạn khỏi...v..v...

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.

(Kiều)

Còn với người phật tử thì sao ? Nhất là những phật tử có quy y Tam bảo, đã có phần nào tu tập và đã làm những việc công quả phước đức khi còn sống ? Bây giờ họ ở đâu ? Có còn liên hệ gì với người hiện tại ?

Dĩ nhiên có rất nhiều câu trả lời. Trong đó có câu : đã vảng sanh Cực Lạc rồi. Tức sinh về làm "công dân" nước Cực Lạc (Cực Lạc quốc) của Đức Phật A Di Đà. Tu tập với thánh chúng bồ tát... (Bồ tát bất thối vi bạn lữ)... Nhưng vì thế giới Cực Lạc quá xa (cách thế giới chúng ta hàng ... thập vạn ức Phật độ) phương tiện truyền thông hiện đại vẫn chưa có thể thiết lập liên lạc... nên ít ai biết được tin tức cập nhựt như thế ào, trừ 3 bộ Kinh (Tịnh độ tam Kinh).

Còn nếu chưa sinh được về nước Cực lạc thì họ đi đâu ?

Tìm mãi mới gặp 1 kinh trong hệ thống A Hàm nói về chuyện này. Xin kể ra đây để làm món quà nhỏ (có lẽ còn nhiều kinh khác có đề cập đến vấn đề này nhưng chưa có nhân duyên đọc tới. Nếu có vị nào tìm được thấy lý thú hơn, xin chỉ dạy thêm).

Đó là Kinh Xà Ni Sa (Janavasabha -suttanta) Kinh số 18 trong tập 2 của Kinh Trường Bộ. Bản dịch chữ Hán cũng có tên giống nhau. Kinh Xà ni Sa thuộc bộ Trường A Hàm Tập 1, Kinh số 4.

Đã gọi là Kinh "Trường" Bộ cho nên kể lể rất dài dòng, xin mạn phép được rút gọn cho dễ nắm bắt những ý chính.

Khi Đức Phật còn tại thế (25 thế kỷ trước), có ngài A Nan làm thị giả. Một hôm, A Nan nghĩ rằng : Đức Thế Tôn thường hay tuyên bố về vấn đề tái sinh của những tín đồ đã từ trần, đã mệnh chung trong các bộ lạc xung quanh như bộ lạc Kasi, Kosala, Vajji, Malla... Vị này sinh ra tại chỗ này, vị kia sinh ra tại chỗ kia. Có vị đã đoạn trừ 5 hạ phần kiết sử nên được hoá sanh về thiên giới (cõi trời) từ đó nhập Niết Bàn không còn trở lại đời này nữa... Có vị đoạn trừ 3 phần Kiết sử (tham sân si giảm thiểu) chứng quả Nhất Lai nên chỉ trở lại đời này 1 lần nữa thôi...

Rồi, tôn giả A Nan nghĩ tiếp : Nhưng còn ở xứ Ma Kiệt Đà (Magadha một tiểu quốc, miền bắc Ấn độ nơi Đức Phật thành đạo) có rất nhiều tín đồ thuần thành đã từ trần; Những vị này đều có lòng tin sâu xa chắc chắn đối với Tam Bảo, tu tập theo Chánh pháp. Nhưng Đức Thế Tôn không nói gì về sự từ trần và tái sanh của họ. Trong số này có Vua Tần-Bà-sa-la (Bimbisàra) xứ Ma Kiệt Đà, một vị vua đã sống như Pháp, dùng Chánh pháp để trị nước có lòng thương tưởng đến các vị Bà la môn, gia chủ cùng dân chúng khắp nơi... Nhưng sau khi vua Tân Bà sa la băng hà, cũng chưa thấy Đức Thế Tôn nói gì về sự từ trần và tái sinh của nhà vua...

Nghĩ như vậy rồi, Tôn giả A Nan đến hầu Phật đảnh lễ Ngài rồi tác bạch như trên. Đức Thế Tôn, sau khi nghe tác bạch xong, đi vào thành khất thực. Về, thọ trai, ngồi thiền định tư duy, chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ đã qua đời ở Ma-Kiệt-Đà : "Ta sẽ tìm ra chỗ thọ sanh của họ và đời sống của họ như thế nào ?"

Lúc ấy có một vị Dạ Xoa (Yakkha) hình tướng oai nghiêm rực rỡ hiện ra:

- Bạch đức Thế Tôn, con tên là Janavasabha ! Ngài có nghe ai có tên này chưa ?...

- Bạch đức Thế Tôn, con là Bimbisara (Tần bà sa la) đây. Nay là lần thứ 7, con được sanh vào dòng họ vua Vesavana (Tỳ sa môn Thiên vương - trong cõi Tứ Thiên Vương - Lục Dục thiên). Con chết đi trong địa vị làm vua ở nhơn gian nay được sanh trên thiên giới (cõi trời)... con không còn đọa lạc vào ác thú, con trở thành bậc Nhất lai (chỉ sanh lại cõi đời một lần nữa).

Đức Phật dạy :

- Thật hy hữu thay, hiền giả Dạ xoa Xà-Ni-Sa (Janavasabha). Do nguyên nhân gì hiền giả tự biết mình đạt được địa vị cao thượng thù thắng như vậy ?

- Bạch đức Thế Tôn, con không làm gì khác ngoài tu tập theo giáo lý của đức Thế Tôn. Từ khi con nhất hướng quy y Tam Bảo, con đã tu tập, thực hành theo Chánh pháp, không còn đọa lạc vào ác thú và đã trở thành bậc Nhất lai....

Hôm nay, con đang đi làm nhiệm vụ trên cõi thiên. Giữa đường, con nhận ra đức Thế Tôn đang chú lực toàn tâm suy tưởng đến các tín đồ từ trần ở Ma Kiệt Đà : bây giờ họ ở đâu, vận mạng của họ thế nào ? Liền đó, Bạch Đức Thế Tôn, con suy nghĩ ta sẽ đến yết kiến, đảnh lễ đức Thế Tôn và sẽ đề cập đến 2 vấn đề (thọ sanh và vận mệnh) mà đức Thế tôn đã chú tâm...

Tiếp đó, Kinh Xà ni Sa kể về đời sống chư thiên ở cõi trời Đao Lợi (Tam thập Tam thiên) trong những ngày rằm Bố tát rồi Phạm thiên rực rỡ hiện ra đảnh lễ tán dương công đức giáo hoá của đức Thế Tôn ở trong cõi Ta Bà này và những phương pháp tu tập để rồi sau khi mạng chung được sanh về thế giới chư thiên. Trên, từ Tha hoá tự tại thiên, Đâu Suất đà thiên cho đến Tứ thiên Vương thiên, Càn Thát bà...

Và những vị nào đã thực hành theo giáo pháp của đức Thế Tôn (Tứ Niệm Xứ, Tứ Thần Túc, 7 Pháp Định...), sau khi mất, sanh thiên giới đều là những vị hình có tướng đoan nghiêm, quang sắc thù thắng...

Rồi sau cùng, Kinh Xà ni Sa kết luận : tất cả những vị hóa sanh (về thiên giới) được Chánh pháp hướng dẫn, có hơn hai trăm bốn mươi vạn cư sĩ ở Ma Kiệt Đà đã từ trần đều diệt trừ ba Kiết sử, chứng quả Dự lưu, không còn đọa vào ác thú, chắc chắn đạt được chánh giác.....

Đó là những ý chính của Kinh Xà ni Sa trong hệ thống Kinh Trường bộ của Đại Tạng Pali Nam Tông và Kinh Xà ni Sa thuộc Trường A Hàm tập 1, Kinh số 4 (Hán Tạng : Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (tập 1, trang 34 - A Hàm Bộ) cũng đại để có ý nghĩa nêu lên như vậy.

Còn đối với kinh điển thuộc hệ Bắc Tông Đại thừa, ít thấy tường thuật cụ thể chi tiết, trừ kinh A Di Đà, một trong 3 bộ kinh quan trọng của pháp môn tu Tịnh độ.

Nhưng kinh A Di Đà thuộc về loại kinh "vô vấn tự thuyết" nghĩa là không có ai hỏi mà Đức Phật tự thuyết minh, một khi Đức Phật nhận thấy đã đầy đủ nhân duyên vì "hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người", Ngài liền chỉ dạy đệ tử pháp môn tu, dẫu rằng pháp môn ấy đối với thế gian rất khó, rất khó tin.

"...Vị nhứt thiết thế gian thuyết thử nan tín chi pháp thị vi thậm nan..."

Đúng vậy, kinh điển thuộc hệ bắc tông đòi hỏi một sức mạnh tin tưởng (tín lực) một quyết tâm kiên cố bền bỉ (tấn lực) mà không đòi hỏi những giải thích chi li. Vã lại, nhiều khi những giải thích chi li lại là vô nghĩa, cục bộ tùy thời làm mất ý nghĩa thâm sâu, bao quát, vượt thời gian và không gian của kinh điển. Bởi lẽ Kinh Đại Thừa Bắc Tông hầu hết đều là những ẩn dụ, những bức tranh chấm phá một vài nét mà mục đích chính không phải nói đến những nét tô đậm trong bức tranh. Vẽ mây nảy trăng. Ý tại ngôn ngoại. Muốn vẽ trăng, người họa sĩ tài ba chỉ cần vẽ mây có vầng sáng. Thế là người đủ lý trí nghiệm ra có mặt trăng tròn đầy ẩn hiện phía sau.

Bởi vậy, càng giải thích chi li các chi tiết trong kinh điển Đại thừa nhiều khi càng lìa xa ý chính của kinh. Cho nên đòi hỏi kinh điển Đại thừa diễn tả rõ ràng mạch lạc, chi tiết là một đòi hỏi có vẻ hạn chế, cục bộ.

Kinh A Di Đà nói riêng , và tất cả kinh điển Đại thừa Bắc tông nói chung đều được nhìn theo một nhãn quan như thế, mới nhận ra được những thế giới mầu nhiệm bao la, những trùng trùng sự thật mà một nhãn quan phiền não, cục bộ khó có thể trực nhận được.

Hiểu như thế rồi thì không có gì ngạc nhiên khi đi tìm bóng dáng, tông tích các vị từ giả cõi tạm thế gian này qua kinh điển, hành trạng, gần như vô vọng, hoài công. Mà nhiều khi gặp những hình ảnh hừng hờ, hay còn bị quở trách.

Chẳng hạn trong kinh Pháp Bảo Đàn, các môn đồ buồn khóc khi biết Lục Tổ sắp từ giả thế gian. Lục Tổ quở :

- Nay các người buồn khóc là vì lo cho ai ? Nếu lo cho ta không biết chỗ đi thì ta đã tự biết chỗ đi rồi. Nếu ta không biết chỗ đi thì ta chẳng báo tin cho các ngươi hay trước. Các ngươi buồn khóc là vì chẳng biết chỗ ta đi đến. Cái pháp tánh vốn không sanh diệt khứ lai...

Đại Lão Hoà Thượng Hư Vân khi tuổi thọ 120, bạn hữu, đồ chúng vui mừng định tổ chức sinh nhựt mừng đại thọ. Ngài can ngăn :

...Nghiệp xưa đốc thúc, chìm nổi như sóng ba đào. Một làn gió nhẹ thổi đến, thân này tan thành tro bụi. Chưa liễu ngộ được gì, niệm niệm thẹn thùng xấu hổ vì hư danh. Trăm năm khổ nhọc nếm bụi trần trong cơ mộng huyển, thì cớ gì phải lưu luyến. Lại nữa, có sanh tức phải có tử. Người trí sớm tỉnh ngộ, nhất tâm tu hành như cứu lữa cháy trên đầu, có thì giờ đâu mà bày biện vui mừng như người thế tục !...

Ngài ung dung tự tại đi vào cõi chết, sau khi dặn dò đồ chúng cố gắng tu hành vì "mạng mạch Phật pháp mà giữ gìn Tổ đức Thanh quy, vì Tam Bảo mà giữ chặt chiếc đại y !..."

Dường như càng cố tâm đi tìm trông tích, dấu vết của "những người muôn năm cũ", nhất là những bậc tu hành sống đạo, liểu đạo thì càng gặp phải những hình ảnh tự nhiên hững hờ như mây bay, gió thoảng, nước chảy, suối reo. Bởi lẽ suốt cuộc đời của họ (hay nhiều đời về trước cũng có thể nhiều đời về sau) gắn liền với mạng mạch Phật pháp, với tổ đức tông phong. Bao giờ hình ảnh đó còn sinh hoạt sống động trên thế gian tức pháp thân của họ còn thể hiện đâu đây. Khỏi phải đi tìm đâu cho xa xuôi !

Thích Minh Tâm

(Bài viết cho Kỷ Yếu ngày Đại Tường Cố Hoà Thượng Thích Đức Niệm, có sửa chữa lại và thêm bớt)