Lợi ích của cây ớt

Đinh Công Bảy

 


Cây ớt còn gọi là lạt tiêu (lạt có nghĩa rất cay) tên khoa học Capsicum frutescen L. (C.annum), thuộc họ Cà (Sola naceae).

Cây bụi nhỏ, cao 0,5-1m. Lá nguyên mọc đối, hình trái soan nhọn. Hoa trắng, mọc đứng hay thõng xuống. Quả mọng, có hình dạng, kích thước, màu sắc thay đổi tùy thứ như : thuôn, mảnh hẹp, tròn, màu đỏ, vàng, tím, xanh... thịt cay, hạt màu trắng, hình thân đẹp.

Nguồn gốc của cây ớt ở vùng châu Mỹ nhiệt đớt, được Christophe Colomb phát hiện đầu tiên ở West Indies vào năm 1492. Người dân địa phương gọi là Agi, dùng quả để ăn. Về sau, được gọi là Chili hoặc Cayena. Nhiều nước ở Châu Phi, châu Á đã nhập trồng làm gia vị và làm thuốc. Đặt biệt, Ấn Độ và một số nước vùng Đông Nam Á trồng rất nhiều ớt vì dân ở những nơi này ưa chuộng ớt cũng giống như hồ tiêu (Piper nigrum L.). Hiện nay, hầu như khắp thế giới đều sử dụng ớt, dưới nhiều dạng chế biến khác nhau.

Độ cay của ớt cũng khác nhau. Người ta phân biệt rất nhiều độ cay của ớt, nhưng mãi đến năm 1917, nhà khoa học W. Scoville (Mỹ) mới sáng chế ra kỹ thuật đo lường độ cay của ớt. Loại ớt Habanero mọc tự nhiên trong rừng Yucatan thuộc miền Nam Mexico được công nhận là cay nhất. Người ta diễn tả rằng : ăn loại ớt này thì bị cảm giác như đầu văng khỏi cổ (!). Thật đúng là cay khủng khiếp.

Trong 100g ớt có chứa 94g nước, 1,3g protein, 5,7g gucid, 200-400mg vitamin C, 10mg carotene, 1,4g chất sơ, một alkaloid chính là capsaicine (0,2%), một số chất như alpsanthine, adenine, betaine và choline.

Chất capsaicine khi tiếp xúc với phần nhạy cảm của lưỡi và miệng sẽ tạo cảm giác cay truyền lên não. Não bộ sẽ truyền lệnh cho cơ thể phản ứng, tạo ra một số rối loạn sinh học như : nhịp tim tăng lên, xuất tiết vùng mũi, miệng, làm sụt sịt, chảy nước mắt, nước dãi, hệ tiêu hóa co bóp mạnh, đổ nhiều mồ hôi... Nếu cay quá có thể ù tai, chóng mặt, nhứt đầu...

Theo y học cổ truyền, quả ớt có vị cay, tính nóng, tác dụng ôn trung tán hàn, kiện vi tiêu thực, hạ khí tiêu đàm. Được dùng làm gia vị giúp tiêu hóa dễ dàng, trị tiêu chảy, tích trệ. Nếu dùng dạng bột với liều 0,3-1g/ ngày dạng viên, sẽ trị được chứng nôn mữa, tiêu chảy, viêm dạ dày và thận, thấp khớp, thống phong, thủy thủng, viêm thanh quản.

Dùng  ngoài, cồn thuốc tươi hay cồn thuốc (1 phân ớt, 2 phần rượu 33*) hòa với nước (15-20g với 1/2 cốc nước) xoa bóp bị viêm thần kinh do thấp khớp, chống cảm lạnh.

Ngày nay, người ta ghi nhận rằng người dân ở vùng Trung và Nam Mỹ do có thói quen ăn ớt hàng ngày nên tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ít hơn so với nhiều nơi khác.

Theo sách Dược thảo.

Bách khoa toàn thư của Andrew Chevallier (Nxb DK. New York 1996), ớt còn có tác dụng gây trung tiện, làm thư giãn các cơ bị co cứng, chống nhiễm khuẩn, kích thích tuần hoàn ngoại vi và làm giảm đau.

Các bộ phận khác của cây ớt như lá, thân, rễ cũng dùng làm thuốc.

Lá ớt có vị đắng, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Được dùng để trị sốt rét, khó tiêu hóa, đắp ngoài trị mụn nhọt thong vỡ mủ, rắn rết cắn.

Theo kinh nghiệm dân gian, dùng 30g lá ớt giã nát, chế nước chín vào, vắt lấy nước cốt, uống trước khi lên cơn sốt rét 2 giờ. Ngày uống 1 lần, uống liền trong 5-7 ngày.

Người có tình trạng dạ dày lạnh (vị hàn) lại hay khát nước, nên ăn lá ớt non với trứng gà và gừng sống (chiên hoặc nấu canh) vài lần trong tuần. Ngoài ra, lá ớt sao vàng 20-30g sắc nước uống có thể trị phù thủng do thấp nhiệt.

Rễ cây ớt có tác dụng hoạt huyết, tán thủng. Dùng rễ ớt 40-60g nấu canh với thịt gà hoặc thịt heo làm món ăn trị liệu cho người cao tuổi sức khỏe kém, tiểu tiện khó, mắt mờ, tai ù, tay chân tê mỏi.

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều giống ớt, có đến 50 thứ khác nhau của cùng một loại :

- Loại ớt có quả mọc đứng như : ớt chỉ thiên có quả màu nhỏ màu đỏ, rất cay và rất sai quả (mỗi cây có tới hang trăm quả); ớt hiểm có quả rất nhỏ, màu đỏ, rất cay; ớt tím có quả hình chùy, màu tím; ớt cà có quả đứng hay thòng, tròn màu đỏ, cay.

- Loại ớt có quả thòng xuống như : ớt sừng trâu có quả nhỏ, màu đỏ, rất cay; ớt dài có quả màu vàng, trồng làm cảnh và trang trí; ớt tây, ớt cà chua, ớt bị, ớt ngọt, đều có hoa to, quả to màu vàng, đỏ, chứ không cay, thường dùng để xào ăn như một loại rau. Ớt sừng trâu có giá trị kinh tế cao.

Người ta thường dùng ớt ăn tươi, ngâm giấm, ngâm muối, làm ớt bột, làm tương ớt...

 

*******

Bà con đồng hương nào chưa có lịch Tử vi và lịch Treo tường năm Ất Dậu - 2005, xin liên lạc về chùa Khánh Anh.

- Lịch Tử vi + cước phí gởi trong nước Pháp và Âu châu : 17

- Lịch Treo tường + cước phí gởi trong nước Pháp và Âu châu : 13

- Lịch Tử vi + cước phí gởi đến Mỹ - Canada... : 19

- Lịch Treo tường + cước phí gởi đến Mỹ - Canada... : 15.