Niệm Phật là làm thanh tịnh ba Nghiệp

Minh Đức


Niệm Phật là tịnh nghiệp pháp môn. Lợi ích lớn nhất của niệm Phật không phải là phước báu mà là ba nghiệp thanh tịnh, ba nghiệp thanh tịnh thì an lạc, giải thoát. Cổ Đức có dạy : Tam nghiệp hằng thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương. Không phải chỉ có tông Tịnh Độ (Phật giáo Đại thừa) mới dạy niệm Phật mà trong kinh điển Nguyên thuỷ, Đức Phật đã dạy pháp môn này. Chẳng hạn như kinh Thập Niệm, Kinh số 16 thuộc Tăng Chi Bộ kinh, chương một pháp (tương đương với phẩm Thập niệm số 2, phần một pháp của kinh Tăng Nhất A Hàm).

Tuy nhiên, niệm Phật trong kinh điển Nguyên thuỷ là thực hành thiền quán, Phật là một trong mười đề mục thiền quán (niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên, niệm Hưu tức, niệm An ban, niệm thân, và niệm tử) nhằm thanh lọc thân tâm, xa lìa tham dục, thành tựu giải thoát Niết bàn. Điểm này giống pháp quán tưởng niệm Phật của Tông Tịnh độ. Hành giả tưởng nhớ, quán sát về công hạnh của Phật, về hảo tướng trang nghiêm của Phật với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, tam minh, tứ trí, lục thông... Ở đây hành giả quán niệm về đức Phật nào cũng được, nhưng thường là quán niệm đức Phật mà mình được biết nhiều, về công hạnh và Đức Phật đó gần gũi với mình. Đối tượng rõ ràng như thế thì dễ dàng quán niệm, vì thế thường là quán niệm Đức Thích Ca. Còn tông Tịnh Độ thì chủ yếu cầu vãng sinh về cõi của Đức Phật A Di Đà nên đối tượng quán niệm là Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc.

Về bản chất, pháp môn niệm Phật cũng như thiền quán, cả hai đều có mục đích chung là duy trì chánh niệm và đạt được chánh định. Trạng thái : "nhất tâm bất loạn" hay "Tâm bất điên đảo" của hành giả niệm Phật mà kinh A Di Đà nói chính là trạng thái chánh định của Thiền tông. Điều kiện vãng sinh của pháp môn Tịnh độ là "nhất tâm bất loạn""tâm bất điên đảo", cũng giống như điều kiện giải thoát của hành giả tu thiền là thành tựu chánh định và tuệ giải thoát. Pháp môn niệm Phật đặc biệt là trì danh niệm Phật, thích hợp với hầu hết mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, bất cứ căn cơ, trình độ nào cũng đều có thể tu tập thành tựu. Bậc thượng căn thượng trí có thể giác ngộ giải thoát ngay trong đời hiện tại, hoặc vãng sinh về cõi Tịnh độ của đức Phật A Di Đà tiếp tục tu học cho đến khi thành tựu quả Vô thượng Bồ đề. Nhưng dù giác ngộ giải thoát trong đời này hay đới nghiệp vãng sinh thì cũng đều không còn luân hồi sinh tử.

Niệm Phật còn là pháp hiện tại lạc trú, có nghĩa là dù chưa giác ngộ giải thoát, chưa vãng sinh nhưng hiện tại vẫn an lạc. Vì niệm Phật giúp thanh tịnh ba nghiệp, tâm ý thanh tịnh không còn điên đảo vọng tưởng thì đoạn trừ được phiền não khổ đau, khi tâm ý thanh tịnh thì không tạo tác ác nghiệp nên không thọ ác báo. Trong Khóa hư lục, quyển thượng, phần bàn về niệm Phật, vua Trần Thái Tông có nói : Niệm Phật là do tâm phát khởi. Tâm khởi thiện là niệm thiện, khởi thiện niệm thì tất báo thiện nghiệp. Tâm khởi ác là ác niệm, khởi ác niệm thì tất ứng ác nghiệp, như gương hiện ảnh, như bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói : "Ai mà vô niệm, ai mà vô sinh". Người học Phật ngày nay muốn khởi chánh niệm để thanh tịnh ba nghiệp cũng nhờ ở công phu niệm Phật. Vì sao ? Khi niệm Phật thân ngồi ngay thẳng không làm tà hạnh, đó là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chơn ngôn (ý nói danh hiệu Phật) không nói lời tà, đó là dứt khẩu nghiệp. Ý nghĩa tinh tấn không khởi niệm tà, đó là dứt "Ý nghiệp".

Tâm ý là nguồn gốc sinh ra các pháp thiện và bất thiện. Tâm thanh tịnh thì sinh ra các pháp thiện, tâm nhiễm ô thì sinh ra các pháp bất thiện. Như trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã dạy : "Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình" (pháp cú I, II, phẩm song yếu).

Tâm khởi lên điều thiện tức là thiện niệm, khởi thiện niệm thì báo thiện nghiệp, tức thọ quả báo tốt, an lành, hạnh phúc. Tâm khởi lên điều ác tất ác niệm, khởi ác niệm thì báo ác nghiệp, tức thọ quả báo xấu, khổ đau. Niệm Phật là khởi thiện niệm tất nhiên đạt được phước báu, thắng duyên an lạc giải thoát. Niệm Phật là giữ gìn chánh niệm, đoạn trừ tà niệm là các niệm mê lầm, điên đảo. Khi niệm Phật thân đoan chánh trang nghiêm không làm tà hạnh, không tạo tác các nghiệp sát hại, trộm cắp, dâm dục, miệng niệm danh hiệu Phật, không nói lời tà, không vọng ngôn (nói dối, lời không thật) ác ngữ (nói lời hung ác), lưỡng thiệt (nói lưỡi hai chiều) ỷ ngữ, (nói lời thiêu dệt), ý giữ gìn chánh niệm, luôn nhớ nghĩ danh hiệu Phật, không khởi các vọng tưởng điên đảo, không có niệm tham, sân, si, hành giả niệm Phật một cách siêng năng, miên mật thì ba nghiệp thân, khẩu, ý thanh tịnh, bất cứ lúc nào ba nghiệp thanh tịnh thì lúc đó hành giả an lạc, giải thoát.